Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26/3/1931 - 26/3/2024)

 NHỚ NHỮNG LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ DÀNH CHO THANH NIÊN

 


Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn dành những tình cảm tốt đẹp cũng như thời gian, công sức, trí tuệ của mình để giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ thanh niên Việt Nam đến với cách mạng, tham gia vào quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Bởi theo Người thanh niên luôn là lực lượng tiên phong, xung kích trên các mặt trận, góp phần xây dựng hoà bình. Bác rất tin tưởng ở thanh niên - lực lượng hậu bị của Đảng và là lực lượng cách mạng cho đời sau.

Ngay từ thời trẻ, Người đã ý thức được vai trò của thanh niên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc là vô cùng to lớn. Như tình cảm của một người cha đối với con, Bác Hồ hiểu rõ những ưu, nhược điểm của thanh niên nước ta. Bác luôn căn dặn thanh niên: “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”. Bác luôn nhấn mạnh đến việc học tập, vấn đề cốt lõi để các thế hệ thanh niên trang bị cho mình sự hiểu biết, vốn kiến thức, một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho các thế hệ thanh niên có thể vươn mình ra biển lớn, lấy sức trẻ làm giàu cho Tổ quốc, quê hương.

Có thể khẳng định rằng, chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã dành cho thế hệ trẻ những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc.

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2016). Nhân dịp này, xin được trích dẫn những lời dạy mà lúc sinh thời Bác đã dành cho các thế hệ thanh niên Việt Nam để thấy được những tình cảm sâu sắc, sự quan tâm bồi dưỡng những thế hệ thanh niên của Bác kính yêu.

 Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”.

            (Thư gửi Thanh niên An Nam, 1925)


“… ngày nay chúng ta phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nhà nước trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

 (Thư gửi các em học sinh nhân Ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9/1945).


“Hỡi anh chị em thanh niên Nam Bộ!

Tôi thề cùng các bạn giữ vững nền độc lập tự do của nước Việt Nam. Dẫu có phải hy sinh đến nửa số dân tộc, ta cũng quyết hy sinh. Cuộc kháng chiến tự vệ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam phải toàn thắng”.

         (“Lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ”, ngày 30/10/1945)


“... Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội.

Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành “đời sống mới”.

Đời sống mới là:

- Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ.

- Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm.

- Việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ.

- Việc nên tránh (như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa”

(Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến, 1 - 1946, Sđd, tập 4, trang 167)


“… Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”.

      (“Thư gửi các bạn thanh niên”, ngày 12/8/1947)

         

           “Không có việc gì khó

             Chỉ sợ lòng không bền

             Đào núi và lấp biển

             Quyết chí ắt làm nên”.

 (Bài thơ Bác tặng Đơn vị thanh niên xung phong 312 làm đường tại xã Cẩm Giàng, Bạch Thông, Bắc Kạn, ngày 28/3/1951)


“Ưu điểm của thanh niên ta là hăng hái, giàu tinh thần xung phong. Khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh anh hùng. Rất mong toàn thể thanh niên ta ra sức phát triển những ưu điểm và tẩy sạch những khuyết điểm ấy. Huy hiệu của thanh niên ta là “tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”. Ý nghĩa của nó là: Phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Đồng thời phải vui vẻ, hoạt bát. Bác mong mỗi cháu và toàn thể các cháu nam nữ thanh niên cố gắng làm tròn nhiệm vụ, để xứng đáng với cái huy hiệu tươi đẹp và vẻ vang ấy”.

         (Thư gửi thanh niên, tháng 4/1951, Hồ Chí Minh toàn tập)


 “Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Ðội TNXP để bảo đảm thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này. Nhiệm vụ của Ðội TNXP là xung phong mọi việc bất kỳ việc khó, việc dễ và phục vụ đến ngày kháng chiến thành công. Ðó là nhiệm vụ rất vẻ vang của thanh niên”.

                             (“Ðội Thanh niên xung phong” đăng trên báo Nhân Dân số 147, 1953)


 “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”

(Bài nói chuyện với sinh viên và thanh niên trong Lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 19/11/1955)

 

“Tính trung bình thanh niên chiếm độ 1 phần 3 tổng số nhân dân – tức là một lực lượng to lớn. Lực lượng to lớn thì phải có nhiệm vụ to lớn”

               (“Nhiệm vụ của thanh niên ta”, báo Nhân dân ngày 20/12/1955)


“Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Để thật xứng đáng là người chủ của một nước xã hội chủ nghĩa, thanh niên ta quyết tâm thực hiện mấy điều sau đây:

- Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến thì giúp đỡ người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà.

- Phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân như tự tư tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường. Phải chống tham ô, lãng phí.

- Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.”

(Bài nói chuyện tại Đại hội Thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa, ngày 17/3/960)

 

“Thanh niên ta phải cố gắng học. Do hoàn cảnh trong xã hội cũ hạn chế nên số đông thanh niên công – nông ta ít được học. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức”.

(Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 24/3/1961)


 “Bác rất yêu quý thanh niên:

- Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng.

- Vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Vì thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ Tổ quốc”.

(Bài nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ hai của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, ngày 20/12/1961)

 “Phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, việc khó có thanh niên, gặp gian khổ phải đi lên phía trước, khi hưởng thụ phải hưởng thụ sau mọi người”.

                          (Bài phát biểu tại Hội nghị Cán bộ toàn miền Bắc, tháng 9/1962)

 

Đảng, Chính phủ và Bác rất chú ý đến thanh niên. Bác vui lòng khen ngợi những cố gắng của thanh niên… Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt.

Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp.

Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm", "gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người".

Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ.”

 (Bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc, ngày 22/9/1962)

 

“Bác muốn dặn thêm các cháu mấy điều:

- Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

 - Phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do.

- Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, để giúp nhau cùng tiến bộ mãi.

- Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.

- Luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên và nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo”.

                                                                             (Thư gửi thanh niên Ngày 2/9/1965)

 

“Các cháu xứng đáng là những thanh niên ưu tú của nhân dân Việt Nam anh hùng. Và, giặc Mỹ đã thua to ở hai miền nước ta, chúng đang thất bại ngày càng nặng nề hơn ở miền Nam, nhưng chúng vẫn rất ngoan cố chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta. Vì vậy, Bác nhắc nhở các cháu: Phải nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng, cùng quân dân ta quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược; luôn luôn đoàn kết, ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa để ngày càng tiến bộ, đem hết nhiệt tình tài năng của tuổi trẻ cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”.

 (Thư khen ngợi đơn vị TNXP 333 có nhiều thành tích xuất sắc trên các tuyến đường Khu Bốn ác liệt, ngày 27/1/1969)


  “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”.

                                                                                                                                                                                                                                  (Di Chúc của Người)

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2024

KỶ NIỆM 78 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH THỂ THAO VIỆT NAM (27/3/1946 – 27/3/2024)

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI NỀN THỂ DỤC THỂ THAO VIỆT NAM

Ngày 27/3/1946, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã viết bài Thể dục và sức khỏe, qua đó kêu gọi toàn dân tập thể dục, đăng trên báo Cứu quốc, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh (1). Người nhấn mạnh: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công.

Bác đặt vấn đề và nêu rõ vị trí của Thể dục thể thao trong đời sống xã hội: “Mỗi một người dân yếu ớt tức làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe”. Bác khẳng định: “Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước”. Bác chỉ dẫn: “Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe. Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào tôi cũng tập”.

Bác Hồ là người sáng lập nền thể dục thể thao cách mạng Việt Nam. Có thể các tài liệu, tư liệu “Bác Hồ nói về Thể dục thể thao” tập hợp chưa được thật đầy đủ, nhưng với các bài viết, một số phát biểu của Người trong các cuộc đến thăm đồng bào các tỉnh, bà con xã viên hợp tác xã nông nghiệp, công nhân các nhà máy, công trường, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, bộ đội, dân quân tự vệ, học sinh, sinh viên, các đoàn vận động viên từ năm 1946 đến tháng 9/1969 trước ngày Người đi xa... đã cho thấy sự quan tâm của Bác với công tác thể dục thể thao và vai trò của nó trong lao động, công tác, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Sau lời kêu gọi tập thể dục ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết “Thư gửi Hội nghị Cán bộ thể dục thể thao toàn miền Bắc” vào tháng 3/1960, Thư gửi Đại hội Thể thao Lực lượng mới trỗi dậy (GANEFO Jakarta Indonesia 1963). Trước đó, Bác đến thăm trường Trung cấp Thể dục thể thao Trung ương ngày 14/12/1961, tiếp đón đoàn thể thao quốc gia (miền Bắc) thi đấu thắng lợi ở Đại hội Thể thao châu Á lần thứ nhất (GANEFO Phnom Penh tháng 11) tại Phủ Chủ tịch ngày 19/12/1966. Trong các tác phẩm viết về Bác Hồ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước ta, những thước phim tư liệu, tấm ảnh của các nhà báo cũng đã ghi lại những hoạt động thể dục thể thao của Bác, phần nào nói lên sự quan tâm đặc biệt của Người với công tác Thể dục thể thao nước nhà.

Bác từng căn dặn: “Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khỏe. Muốn giữ gìn sức khỏe thì nên thường xuyên tập thể dục thể thao”. Lớp huấn thị của Bác được truyền đi trong những ngày đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965, thời kỳ sản xuất xây dựng rất khẩn trương, cả nước nỗ lực xây dựng củng cố quốc phòng, hồ hởi học tập văn hóa tiến vào khoa học kỹ thuật đang là một đòi hỏi cấp bách mà sức khỏe của nhân dân là mối quan tâm lớn của Bác hồi bấy giờ.

ết Tân Tỵ (1941), sau gần 30 năm xa Tổ quốc, Bác về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong Chương trình Việt Minh, Bác viết: “Khuyến khích và giúp đỡ nền thể dục quốc dân, làm cho nòi giống ngày thêm mạnh” và “Trẻ em được chính phủ đặc biệt săn sóc về thể dục, trí dục và đức dục” (2). 14 năm sau, khi hòa bình năm 1954, tại hội nghị sản xuất tháng 7/1955 Bác dạy: “Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng, chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và chính phủ có lỗi. Vì vậy cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân”.

Bài nói chuyện của Bác tại Hội nghị cán bộ Công đoàn tháng 3/1959, Bác dạy: “Chúng ta phải quý trọng con người”. Trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đã nói: “Con người là vốn quý nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ và bồi dưỡng sức khỏe của con người là mục tiêu cao quý của các ngành y tế và thể dục thể thao (Văn kiện Đại hội Đảng tập I, tr 77, Nxb Sự thật).

Tháng 1/1946, tức là 4 tháng sau khi nắm chính quyền, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bác ký Sắc lệnh số 14/SL ngày 30/1/1946 về công tác thể dục thể thao với mục đích: “Xét vấn đề thể dục rất cần để tăng cường sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống (Sự nghiệp TDTT của Đảng và Nhà nước tr.24, Nxb Y học và TDTT). Sắc lệnh 14/SL xác định trách nhiệm của Nhà nước ta và các ngành liên quan đối với công tác TDTT, cụ thể là các bộ: Nội vụ, Y tế, Thanh niên, Tài chính, Giáo dục. Các ngành phải giúp đỡ Hội đồng chính phủ nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục thể thao trong toàn quốc.

Bác nhấn mạnh: “Luyện tập thể dục bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước”. Lời dạy của Người vô cùng thiêng liêng vì đó là Lời kêu gọi của non sông đất nước, kêu gọi lòng yêu nước, trách nhiệm với đất nước của mỗi người dân đất Việt. Bác đã chỉ cho chúng ta khái niệm rất mới về hoạt động thể dục thể thao. Theo Bác, Thể dục thể thao không chỉ là giải trí đơn thuần, không phải dành riêng cho một ai mà là của tất cả mọi người. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và công tác thể dục thể thao, “cũng là một công tác trong những công tác cách mạng” (Thư gửi Hội nghị Cán bộ TDTT toàn miền Bắc ngày 31/3/1960). Bác muốn truyền cảm hứng là người dân yêu nước thì phải cố gắng tập thể dục, bồi bổ sức khỏe. Hay nói cách khác: Tập luyện thể dục thể thao bồi bổ sức khỏe là một việc ích nước lợi dân. Dân cường thì quốc mới thịnh.

Bác Hồ cũng là người công dân số 1 gương mẫu tập luyện thể dục bồi bổ sức khỏe từ thời thanh niên cho đến những năm tháng bôn ba xứ người. Người thường xuyên tập luyện thể dục, tập võ dân tộc, bơi lội, đi bộ, leo núi... Bác là tấm gương sáng trong tập luyện giữ sức khỏe.

“Tự tôi ngày nào tôi cũng tập”, đó không chỉ là sự khẳng định của Bác về bản thân, mà còn là lời hiệu triệu cho những người con đất Việt.

(1) - Báo Cứu quốc số 199 ra ngày 27/3/1946.

(2) - Chương trình Việt Minh tháng 10/1941- Bản in lito Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (Hà Nội). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 7, Tr.466-471.

Vũ Hòa

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

KỶ NIỆM 93 NĂM THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26/3/1931 – 26/3/2024)

 

TÌNH CẢM CỦA BÁC HỒ ĐỐI VỚI THANH NIÊN VIỆT NAM

 


Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến thanh niên, học sinh, sinh viên. Trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1946, Người viết: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Bác đánh giá cao vai trò của thanh niên với tư cách là một lực lượng hăng hái trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: "Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên" và "Thanh niên ta rất hăng hái. Ta biết hợp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ". Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Trong thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường mùa thu năm 1945, Bác Hồ đã dạy: "Từ giờ phút này trở đi, các cháu được hưởng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam... Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".

Trong những ngày đêm ác liệt, bộn bề công việc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhưng khi được tin học sinh Vũ Chí Thành, đội viên đội cảm tử quân, hy sinh ở Hà Nội ngày 20/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh liền viết thư chia buồn với bác sĩ Vũ Đình Tụng, cha của liệt sĩ với những lời cảm động và đầy khích lệ: "Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi: vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn sống mãi với non sông Việt Nam...".

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, vừa mới trở về thủ đô Hà Nội, tuy bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ vẫn theo dõi các hoạt động của tuổi trẻ và phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên. Ngày 18/12/1954, Bác đã đến thăm các thầy, cô giáo và học sinh các trường Nguyễn Trãi, Trưng Vương, Chu Văn An. Tại đây, Bác đã khẳng định: "Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng thì thanh niên mới được tự do. Vì vậy, thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc... Ngày nay ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ thì phải học tập".

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đoàn được triệu tập từ 25/10/1956 đến 4/11/1956 tại Hà Nội, Bác Hồ đã đến dự. Tại Đại hội, Người ân cần căn dặn đoàn viên, học sinh, sinh viên là: "Muốn đoàn kết củng cố và phát triển thì tất cả đoàn viên phải làm gương mẫu:

- Phải giữ vững đạo đức cách mạng: phải khiêm tốn, cần cù hăng hái, dũng cảm. Phải tránh tư tưởng kiêu ngạo, công thần, tự tư, tự lợi.

- Phải xung phong trong mọi công tác; xung phong là phải đi trước, làm trước để lôi cuốn quần chúng, chứ không phải là xa rời quần chúng.

- Phải cố gắng học tập chính trị, văn hoá, nghề nghiệp để tiến bộ mãi, để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt.

- Phải rèn luyện thân thể cho khoẻ mạnh, khoẻ mạnh thì mới đủ sức để tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ những công việc ích nước, dân".

Sự quan tâm chăm sóc và những lời dạy bảo ân cần, sâu sắc của Bác Hồ kính yêu đã làm các đại biểu hết sức xúc động và thấm thía. Đại hội đã hứa với Bác sẽ ra sức thực hiện tốt những lời Bác dạy, quyết phấn đấu không mệt mỏi cho lý tưởng độc lập, tự do, thống nhất nước nhà và xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Bác đã chỉ cho thanh niên nước ta.

Bước sang năm 1960, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III được tổ chức từ ngày 23/3 đến 25/3/1961 tại Hà Nội. Đại hội đã vinh dự được đón Bác Hồ và đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm và nói chuyện. Người ân cần chỉ ra cho toàn thể cán bộ, đoàn viên và thanh niên phương hướng tu dưỡng rèn luyện về mọi mặt công tác của Đoàn: Thanh niên "cần phải làm đầu tàu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước. Phải thực hiện khẩu hiệu: "Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó có thanh niên làm". Bác dạy: "Thanh niên phải cố gắng học... Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có học thức. Cần phải học văn hoá, chính trị, kỹ thuật. Cần phải học lý luận Mác- Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày... Học đi đôi với hành". Những lời dạy bảo quý báu của Bác Hồ tại Đại hội thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hậu bị cho Đảng.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thanh niên miền Bắc thực hiện phong trào "Ba sẵn sàng". Bác Hồ luôn theo dõi sự phát triển của phong trào "Ba sẵn sàng", Người kêu gọi thanh niên, học sinh, sinh viên: "Các cháu thanh niên, gái cũng như trai, hãy thực hiện tốt "Ba sẵn sàng", xung phong dâng tất cả tinh thần và lực lượng của tuổi trẻ cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, cho Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội". Khi tuổi trẻ lập được chiến công, Bác khen ngợi: "Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu thanh niên trong cả nước... các cháu là thế hệ anh hùng trong thời đại anh hùng. Bác mong các cháu đều xứng đáng là những anh hùng trong sự nghiệp cách mạng tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc và xây dựng xã hội mới". Tại lễ kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập Đoàn (26/3/1966), Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước (Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng)... đã đến với tuổi trẻ. Bác Hồ dạy: "Với một thế hệ thanh niên hăng hái và kiên cường chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Vì vậy, Bác rất tự hào, sung sướng và thấy mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang". Tuân theo lời Bác dạy, nhân ngày truyền thống vẻ vang của Đoàn, Ban Chấp hành trung ương Đoàn đã ra lời kêu gọi đoàn viên, thanh niên phát huy khí thế "Ba sẵn sàng", hăng hái tiến lên hàng đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, quyết tâm đem lá cờ trăm trận trăm thắng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại đi tới đích thắng lợi cuối cùng.

Năm 1969, dù sức khoẻ đã yếu, Bác Hồ vẫn thường xuyên theo dõi tin tức hoạt động học tập và lao động tại các nhà trường. Người rất vui khi biết học sinh Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt vẫn cố gắng học tập và lao động sản xuất. Chiều 19/5/1969, sau khi các thầy thuốc kiểm tra xong sức khoẻ, Bác ngồi viết thư khen các cháu học sinh thôn Phú Mẫn, Yên Phương, Bắc Ninh. Bức thư có đoạn: "Bác rất vui lòng biết các cháu vừa học tập tốt vừa tham gia sản xuất tốt... Các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà. Bác mong các cháu luôn luôn cố gắng hơn nữa. Bác cũng mong các cháu thiếu niên ở những địa phương khác làm theo các bạn nhỏ ở hợp tác xã măng non Phú Mẫn".

Ngày Quốc khánh 2/9 năm 1969 là ngày toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và tuổi trẻ cả nước chịu một tổn thất lớn lao: Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam qua đời. Vĩnh biệt chúng ta, Bác Hồ đã để lại cho thanh niên Việt Nam "muôn vàn tình thân yêu". Người đánh giá: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ" và căn dặn: "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết".

Trải qua hơn 90 năm đấu tranh oanh liệt, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và đoàn viên, thanh niên Việt Nam luôn được sự lãnh đạo chăm sóc trực tiếp của Đảng và Bác Hồ. Đánh giá đúng đắn khả năng cách mạng to lớn của thanh niên, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đặc biệt quan tâm tổ chức, bồi dưỡng đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên thành đội quân xung kích của cách mạng, lực lượng hậu bị của Đảng nhằm kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp của giai cấp và dân tộc. Từ "Bức thư tâm huyết" gửi thanh niên Việt Nam hồi đầu thế kỷ đến lời "Di chúc" cuối cùng, Bác Hồ luôn giành cho thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam tình cảm thương yêu trìu mến và sự chăm sóc ân cần lớn lao. Tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người mãi mãi khắc sâu trong muôn triệu trái tim của các thế hệ thanh niên nguyện chiến đấu và chiến thắng dưới ngọn cờ vẻ vang của Người.      

                                                                                              Nguyễn Quang Tuấn

 

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2024

KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ (8/3/1910 - 8/3/2024)

 { NHỮNG MẪU CHUYỆN VỀ BÁC HỒ VỚI PHỤ NỮ {

 Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho phụ nữ sự quan tâm đặc biệt, những tình cảm chứa chan, chân tình như một người cha, người chú, người anh. Người luôn khuyên nhủ chị em phụ nữ cố gắng rèn luyện phẩm chất đạo đức để phát huy hết nét đẹp của người phụ nữ. Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) chúng ta hãy cùng đọc lại những câu chuyện về kỷ niệm được gặp Bác của các thế hệ phụ nữ để thấy được tình cảm sâu sắc mà Bác dành cho chị em phụ nữ.

 

 


  

NHỚ NHỮNG LẦN GẶP BÁC

Một hôm, chị Như Quỳnh và tôi được cử đến xin ý kiến Bác về tờ báo Tiếng gọi phụ nữ sắp xuất bản. Bác hỏi chúng tôi:

– Các cô có con chưa?

– Dạ chưa ạ!

– Thế các cô có biết quấn tã cho bé không?

Chúng tôi còn lúng túng chưa kịp trả lời, Bác bảo:

- Viết báo phụ nữ không thể cứ ngồi trong bốn bức tường rồi nghĩ ra viết điều này điều nọ, mà phải viết về những chuyện, những việc cụ thể, thiết thực trong đời sống hàng ngày của phụ nữ, của bà mẹ, của trẻ em.

(Trích lời kể bà Thanh Thủy
 Phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam thời kỳ 1945-1946)


CÁN BỘ NỮ PHẢI TỰ HỌC TẬP NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ

Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ I được tổ chức sau Đại hội Công đoàn toàn quốc và tôi được phân công là Trưởng ban Ban Tổ chức Đại hội. Bác đã đến cơ quan Phụ vận Trung ương để nghe báo cáo về tình hình chuẩn bị Đại hội. Bác dặn dò phải rút kinh nghiệm Đại hội Công đoàn để tổ chức mọi mặt cho tốt hơn nữa… Bác đã góp ý với Đoàn Phụ nữ Trung ương: Các cô phải nói lên được tinh thần yêu nước của phụ nữ các tầng lớp, nói lên công lao của phụ nữ nông dân cần cù lao động sản xuất sao huy động được nhiều hơn nữa sự đóng góp của phụ nữ cả nước cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Đi đôi với động viên, các cô phải chăm lo quyền lợi thiết thực cho phụ nữ. Chỉ có phụ nữ mới chăm lo được cho phụ nữ. Các chú ấy không lo được cho các cô đâu…

Từ khi hòa bình, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ II và lần thứ III và hai lần này tôi vẫn là Trưởng ban Ban Tổ chức Đại hội. Trong công tác phụ vận, tôi đã ghi nhận nhiều lời dạy của Bác. Bác nói về mục tiêu phấn đấu của người nữ cán bộ Hội. Bác có những ý kiến cụ thể: “Các cô phải chống phong kiến, chống mê tín dị đoan và hủ tục lạc hậu. Góp phần giải quyết nạn mù chữ, nạn thất nghiệp cho phụ nữ. Các cô đừng tự ti, đừng hay khóc. Cách mạng là phải đấu tranh, đưa nước mắt ra không giải quyết được gì đâu. Hội Phụ nữ là tổ chức đấu tranh cho quyền lợi của chị em. Cuộc sống của họ phải gắn với Hội, Hội phải lo cho họ. Các cô phải đi vào quần chúng phụ nữ để thấy họ đang gặp khó khăn gì, họ được cái gì và chưa được cái gì. Từ đó nghĩ cách học tập nâng cao trình độ, không dựa vào người khác được đâu. Đảng chỉ giúp một phần mà bản thân mình phải gỡ là chính”.

 (Trích lời kể bà Hà Thị Quế

Nguyên Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam)

 

BÁC HỒ ĐẾN

Đầu tháng Tư năm 1950, vào một buổi sáng đầu mùa Hè, ánh nắng pha sương mờ của rừng núi Việt Bắc đang lan tỏa trên mái nhà Hội trường Đại hội, tôi được biết: “Bác Hồ sẽ đến thăm Đại hội sáng nay”. Nghe tin lòng tôi bàng hoàng, mong chờ, hồi hộp.

Có còi tập hợp, các đoàn báo tin chị em đại biểu lên tập trung ở Hội trường chờ đón Bác… Độ một tiếng sau, Bác vào Hội trường ngồi vào bàn Chủ tịch đoàn, toàn Hội trường đứng dậy vỗ tay không ngớt, Bác giơ tay bảo: “Các cô ngồi xuống, nào bây giờ tất cả các cô muốn hỏi gì thì Bác trả lời.” Mọi người đương chuẩn bị thì Bác đã nói ngay: “Trước khi các cô hỏi, Bác hỏi: Lúc đón Bác ở cửa Hội trường có một số các cô tự vệ bồng súng gác ăn mặc rất đẹp, vậy Bác hỏi nếu máy bay Pháp đến bắn phá, các cô có biết dùng súng bắn máy bay không?” cả Hội trường cười ồ vì thực sự đây là những chị em khỏe mạnh được chọn ăn mặc chỉnh tề để có hình thức đón chào Bác cho long trọng. Bác cũng cười rồi nói: “Nào các cô hỏi Bác đi”. Chị em đua nhau giơ tay. Đoàn nào cũng có người hỏi tình hình trong nước, thế giới đến kinh nghiệm công tác phụ vận ở từng vùng. Riêng tôi chỉ còn nhớ nhất hai ý kiến trả lời của Bác. Ý kiến thứ nhất của một đại biểu hỏi Bác về công tác phụ vận rất khó khăn, có nơi không được cấp ủy quan tâm. Bác bảo: “Cán bộ phụ nữ phải có trán cao su kiên trì thuyết phục không sợ gian khổ, đi sâu đi sát quần chúng”. Ý kiến thứ hai, một đại biểu mạnh dạn hỏi Bác: “Thưa Bác, Bác có lấy vợ không ạ? Tiêu chuẩn bác gái như thế nào ạ?”. Cả Hội trường đều ngẩng nhìn về phía đồng chí Cẩm Thạch vừa hỏi Bác tỏ vẻ lo ngại. Nhưng Bác cười vang: “Cô nào hỏi đấy? Có chứ. Tiêu chuẩn thứ nhất là đẹp, thứ hai là phải tốt, nói thế chứ Bác thấy khó lắm”. Cả Hội trường lại cười vang…

(Trích lời kể của bà Nguyễn Thị Lan Anh,

nguyên Phó Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam)

 

KÝ ỨC VỀ BÁC

Trong khoảng thời gian từ năm 1951-1952, tôi còn được gặp Bác khá nhiều lần. Có lần tôi lên chơi nhà Bác ở rất cao, trèo lên các bậc thang chót vót. Tôi hay đem chuyện công tác của mình ra hỏi ý kiến Bác. Tôi kể Bác nghe: Có chị phụ nữ là cán bộ không chồng mà có con. Chị bị lên án, kỷ luật không được làm việc nữa, chị khóc ghê lắm, chúng tôi không biết làm thế nào. Bác nghe chuyện im lặng một lúc rồi nói: “Ở bên các nước Châu Âu thì chuyện đó là chuyện riêng, không có gì nhưng ở Việt Nam ta vì nhiều lý do nên phải gìn giữ. Trình độ quần chúng còn thấp, chưa thể thay đổi tư tưởng quần chúng ngay lập tức được. Các cô là cán bộ phong trào hết sức nên tránh chuyện đó thì mới giữ được uy tín, nói bà con mới nghe. Thế rồi dần dần ta sẽ đưa trình độ của quần chúng lên, lúc đó mọi việc sẽ khác. Tuy nhiên cũng nên giúp đỡ người ta lúc sinh nở, khó khăn, đừng quá thành kiến làm người ta sinh quẫn…”.

… Tôi có nhiều dịp được chứng kiến Bác tiếp các Đoàn đại biểu phụ nữ các nước anh em. Một lần, Bác tiếp Đoàn đại biểu phụ nữ Châu Phi. Chị em ăn mặc theo lối cầu kỳ. Trong câu chuyện của mình, Bác có hỏi: “Quần áo các cô may bằng vải gì?”. Các chị trả lời: “Thưa Bác, bằng vải của Pháp ạ!”. Bác hỏi: “Thế trong nước các cháu, công nghiệp dệt thế nào?”. “Cũng có ạ, nhưng vải không được đẹp thế này”.

Bác nói: “Đúng, vì đất nước các cô cũng như Việt Nam, còn đang phải xây dựng. Phải dần dần rồi các thứ mới đẹp, mới tốt được. Nhà máy dệt của Việt Nam bây giờ dệt được nhiều vải đẹp rồi. Bác sẽ tặng các cô một ít”. Bác cười cười nói thêm: “May quần áo dân tộc phải bằng vải “dân tộc” chứ!”

Khi tiễn Đoàn về, Bác tặng các chị mấy xấp vải của nhà máy dệt Nam Định. Bác giáo dục tinh thần dân tộc, tinh thần tự lực tự cường bằng cách nói chuyện như thế đó, không làm ai tự ái cả.

 (Trích lời kể bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh – nguyên cán bộ Phụ nữ Cứu quốc ở Việt Bắc, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)

 

 BÁC ĐỂ LẠI CHO PHỤ NỮ MUÔN VÀN TÌNH THƯƠNG YÊU

Tháng Tư năm 1950, Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất họp để hợp nhất Đoàn Phụ nữ Cứu quốc vào Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, tôi được cử trong Ban Tổ chức trực tiếp đón Bác đến dự Đại hội…

Sau Đại hội, tôi được Trung ương cử đi học lớp chính trị Mác – Lênin ở Trung Quốc. Trước khi đi, Bác đến thăm anh chị em, Bác ân cần căn dặn: “Trung ương cử các cô các chú đi học chứ không phải đi du học. Trước đây con nhà giàu thì họ đi du học nghĩa là vừa chơi vừa học, còn các cô các chú học là để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Bác thân mật kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác. Bác nói: “Chơi với bạn cũng là học, nhưng cần phải tỉnh táo đừng để bạn lợi dụng mình. Đối với nhân dân có những điều người ta chưa hiểu hoặc không thích thì không nên nói, không nên giải thích nhiều. Phải biết khiêm tốn học hỏi nhân dân thì nhân dân mới vui lòng làm theo đường lối, chính sách của Đảng”.

… Tôi sinh cháu được một tháng 24 ngày thì đúng vào dịp Bác đến thăm cơ quan phụ nữ Trung ương. Tất cả các chị em trong cơ quan đều xúm xít quanh Bác để hỏi thăm sức khỏe Bác. Đồng chí Thư ký của Bác nói nhỏ với chị Ái: Bác rất ít thì giờ, các chị chỉ nên nói chuyện vui. Nhân lúc Bác hỏi thăm sức khỏe chị em, chị Hoàng Thị Ái và chị Đinh Thị Cẩn báo cáo với Bác ở cơ quan có đồng chí Hảo và đồng chí Huê mới sinh hai cháu gái. Bác hoan hô hội viên tí hon rồi Bác hỏi ngay: “Mẹ con các cô ấy có khỏe không?”. Chị Cẩn nói:

- Thưa Bác, mẹ con đồng chí Huê còn yếu vì sinh cháu thiếu tháng.

Rồi chị Cẩn vẫy tay bảo tôi bế cháu ra. Nhìn cháu Bác hỏi ngay:

- Cô có sữa cho cháu bú không?

Tôi thưa:

- Thưa Bác có ạ!

Bác lại căn dặn phải giữ gìn sức khỏe để đủ sữa cho cháu bú… Những lời khuyên của Bác thật là đầm ấm, ruột thịt, tình cảm mà tôi thấy rất cần cho tôi lúc đó.

 (Trích lời kể của bà Mỹ Hảo nguyên cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)

 

BÁC LÀ NGƯỜI ĐÁNG KÍNH

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II họp năm 1951. Trong thời gian chờ đợi, tôi làm việc tại cơ quan Phụ nữ Trung ương, còn một số đồng chí khác về lại trong miền Nam. Tại Đại hội, Bác là Chủ tịch Đoàn và làm nhiệm vụ điều khiển Đại hội. Bác đọc báo cáo, viết rất ngắn gọn, giọng văn nôm na. Nhiều đại biểu sau khi nghe xong có thắc mắc là báo cáo quá ngắn. Đảng ta hoạt động có nhiều thành tích như vậy mà viết ngắn thì chưa hết được. Phần đông lại cho rằng báo cáo viết như thế rất súc tích, dễ hiểu mà lại tổng kết được đầy đủ mọi việc.

Trong thời gian Đại hội, chúng tôi sống trong những dãy lán bằng tre nứa dựng trên đồi Gấu. Nước có máng bắc chảy từ trên núi về. Một lần sau bữa ăn, Bác xuống thăm nhà bếp. Tôi nhớ bữa đó chúng tôi được ăn món thịt bọc lá bắp cải hấp, là món ăn rất sang lúc bấy giờ. Thức ăn nhiều, ăn không hết, mọi người ăn xong bát đĩa để ngổn ngang, bừa bãi trong nhà ăn. Bác thấy vậy, rất không hài lòng. Bác bảo: “Nước ta còn nghèo, kháng chiến đang thiếu thốn, ăn uống phải tiết kiệm, ăn đến đâu làm đến đó. Ai lại để thừa thãi, ngổn ngang thế kia. Bát đũa ăn xong của ai thì người đó xếp gọn lại, để lúc người đi dọn đỡ mất công. Một người dọn thì chết mệt”.

Tôi vốn là con gái nhà lao động từ nhỏ, lại được ba má dạy dỗ từng li từng tí nên tôi sống khá ngăn nắp, nhưng thực tình không chú ý lắm đến điều đó. Nghe Bác nói, tôi rất xấu hổ và từ đó luôn có ý thức: Sau khi ăn uống xong, bao giờ cũng dồn lại thức ăn, xếp gọn bát đũa. Và trong gia đình tôi cũng dạy con cháu, tôi làm như vậy để tiết kiệm sức lao động cho người khác.

Trong Đại hội, nhắc đến tầm quan trọng của việc đoàn kết dân tộc, Bác đã dùng hình tượng dàn nhạc để minh họa, rất hay và chính xác. Bác nói: “Ví như dàn nhạc có rất nhiều nhạc cụ. Nào các loại đàn, kèn, trống, sáo… Nếu mạnh ai nấy chơi thì thật đinh tai nhức óc. Nhưng nếu tất cả đều nhìn vào tay nhạc trưởng điều khiển thì bản nhạc cất lên thật hay, hùng tráng hoặc êm ả. Vì vậy, nhạc trưởng phải là người giỏi, cũng như người đảng viên, lãnh đạo phải biết cách đoàn kết mọi người lại…”. Bây giờ tôi không còn nhớ chính xác nữa, nhưng lúc đó tôi rất thích cách ví von của Bác.

 (Trích lời kể của Nguyễn Thị Phương – Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Cán bộ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)

 

NHƯ CÓ VIÊN NGỌC ƯỚC

… Lần thứ hai tôi được gặp Bác rất đột ngột. Lần đó tôi đã tốt nghiệp trường Âm nhạc Việt Nam. Khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, tôi được tập kết ra Bắc. Năm đó tôi mới mười lăm tuổi, không biết đọc biết viết, không biết nói tiếng Kinh. Tôi được vào học ở Trường Dân tộc Trung ương. Rồi vì có giọng hát tôi được về công tác ở một Đoàn văn công. Sau Đoàn cho tôi vào học Trường Âm nhạc. Sau những ngày tháng nỗ lực học tập, tôi đã được tốt nghiệp. Hôm đó tôi đang chuẩn bị về Đoàn thì nhà trường cho gọi và nói là vào Phủ Chủ tịch…

Đúng như tôi dự đoán, bước vào phòng khách, chúng tôi vừa ngồi xuống thì Bác đã ra. Thấy Bác, chúng tôi đứng cả dậy. Bác liền kéo chúng tôi ngồi quây bên Bác. Bỗng Bác hỏi tôi đột ngột:

- Kim Nhớ có “tủ” mới nào không?

Tôi giật mình, mải miết học tập ở trường tôi chưa có tiết mục nào mới. Bài hát tốt nghiệp của tôi cũng chỉ là những bài dân ca cũ. Tôi lúng túng thưa với Bác điều đó.

- Đi học, tập trung học là tốt – Bác khen – nhưng học phải gắn với phục vụ. Vừa học vừa phục vụ nhân dân, mà hát cho nhân dân nghe phải có bài mới…

Để có những tình cảm gần với quê hương, tôi đã trở về với những bản làng Vân Kiều tận Trường Sơn. Sau chuyến đi, tôi đã có thêm những nhận thức mới, tôi gửi gắm tất cả tình cảm của mình vào bài hát đã có một sắc thái khác hẳn. Tôi đi biểu diễn ở nhiều nơi. Ở đâu tôi cũng được hoan nghênh… Rồi tôi được đi biểu diễn ở nước ngoài. Thật không ngờ trước khi đi, Đoàn chúng tôi lại được gặp Bác. Thế là tôi được báo cáo với Bác, Bác đã khen tiết mục của tôi. Sau chuyến đi biểu diễn ở nhiều nước, lúc về, Đoàn lại được Bác cho gặp…

Bác hỏi tôi:

- “Chim pông- kle” đi ra nước ngoài có thấy gì không?

Tôi cười rồi thưa với Bác:

- Thưa Bác có ạ, đi thấy nhiều nơi núi đồi giống núi đồi Hrê, nhớ lắm Bác Hồ ạ.

- Nhớ thì phải hát thật hay, cả nước biết người Hrê hát rồi, thế giới cũng biết người Hrê hát rồi. Bây giờ phải hết sức cố gắng, rèn luyện giọng hát, học tập chính trị, văn hóa để rồi về hát cho người Hrê nghe.

Lời Bác dặn, tôi đã ghi sâu. Tôi ra sức học tập, rèn luyện. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi đã đi biểu diễn ở khắp các vùng tuyến lửa. Tôi đi phục vụ quân và dân ở cả những hòn đảo xa xôi. Tôi muốn mang tiếng hát của mình, tiếng hát được Đảng, Bác Hồ trao cho phục vụ Tổ quốc đang chiến đấu./.

 (Trích lời kể của Nghệ sĩ ưu tú Kim Nhớ – dân tộc Hrê)

 

 SỐNG TRONG TÌNH THƯƠNG CỦA BÁC

Bác biết tôi cố gắng học văn hóa nhưng lại kém về môn Văn, nhiều lần tôi vào thăm, Bác dặn:

- Cháu kém về Văn thì phải siêng xem sách, đọc báo, đọc xã luận, nghe các chú nói chuyện. Đọc báo có đoạn nào hay thì đánh dấu vòng lại, lúc khác cần đọc lại. Đó là một cách học: Học từ sự kiên nhẫn.

 (Trích lời kể của chị Trần Thị Lý
 Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân)

 

CUỘC ĐỜI CON CÓ BÁC

Năm 1957, Đoàn Văn công Quân đội chúng tôi đi dự Liên hoan sinh viên thế giới và biểu diễn hữu nghị ở một số nước bạn. Trước khi đi, Bác cho gặp để dặn dò, Bác bảo: “Phải giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị cho tốt, phải tranh thủ học tập các nước bạn, phải giữ gìn kỷ luật, đoàn kết nội bộ, tránh mua bán linh tinh làm ảnh hưởng danh dự…”.

Sinh cháu xong, sức khỏe sút kém quá, một đôi lần tôi vắng mặt không biểu diễn được, Bác hỏi các bạn tôi:

- Tại sao không thấy Kim Ngọc biểu diễn?

- Dạ thưa, từ khi sinh cháu chị Ngọc bị yếu ạ!

Lần biểu diễn sau, Bác hỏi tôi:

- Cháu đau yếu làm sao? Có băn khoăn gì không?

- Thưa Bác, con bị ốm và rất lo không làm nghệ thuật được nữa ạ.

Bác dạy:

- Cái gì đã từng làm được rồi mà nay vì hoàn cảnh có phần ảnh hưởng thì phải tin rằng mình vẫn có thể làm lại được. Cháu đã từng biểu diễn tốt rồi cơ mà. Nếu vì sức khỏe thì tìm cách chạy chữa, phục hồi. Nếu vì kỹ thuật đuối thì phải tìm tòi nghiên cứu rút kinh nghiệm.

Bác lấy tay gõ nhẹ lên đầu tôi:

- Còn ốm cái đầu này thì phải tìm cách tự khắc phục thôi.

Tôi hiểu ra, phải tìm ra nguyên nhân đó là thái độ tốt nhất, không nên nản lòng, nhụt chí.

Lại có lần, tôi thưa với Bác:

– Thưa Bác, sau khi cháu học kỹ thuật thanh nhạc mới về cháu biểu diễn không được hoan nghênh như trước nữa.

Bác hỏi:

– Cháu có hiểu sâu về cách hát các làn điệu dân tộc không?

Tôi thành thật thưa:

– Cháu biết rất ít ạ!

- Khoa học và dân tộc đều tốt cả. Nhưng cả hai cháu đều chưa có bao nhiêu thì khác gì người “Chân không đến đất, cật chẳng đến giời”. Yêu nghề thì phải chịu khó học tập, phải khổ luyện mới có kết quả tốt đẹp chứ!..

 (Trích lời kể của Nguyễn Kim Ngọc
Nghệ sĩ ưu tú – Đoàn Ca múa Quân đội)

Minh Thu

 

  BÁC HỒ VỚI "TẾT TRỒNG CÂY" Tết Canh Tý năm 1960, trong không khí sôi nổi mừng Đảng, mừng xuân, sáng ngày 11/01/1960, Chủ tịch ...