BÊN PHỐ TRĂM NĂM
Tôi vẫn thích ngồi lại
bên những người già. Mỗi người già trong cuộc đời này đều là một kỳ quan. Khi những
người già kể cho tôi nghe về cuộc đời họ, trong ký ức xa xôi đó là dáng hình của
phố, là chân dung một giai đoạn, một thời đại sống; cả niềm vui lẫn nỗi buồn của
một kiếp con người. Những người già luôn khiến tôi thấy ngưỡng mộ - như một người
già của phố trăm năm mà tôi đã được ngồi lại vào một buổi chiều nắng đổ qua
thành phố. Ông là cựu binh Nguyễn Thanh Hà – người đã lặng lẽ mấy mươi năm qua
đi khắp miền Nam
tìm hài cốt đồng đội.
|
Đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã đến thăm thương binh Nguyễn Thanh Hà |
NGƯỜI CỰU BINH GIÀ LẶNG
LẼ TÌM ĐỒNG ĐỘI
Ngày 22/11/1965, trong cuộc chiến không cân sức với địch tại
Dầu Tiếng (Bình Dương), gần 200 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Thân xác các anh
nằm lại với rừng suốt nửa thế kỷ, cho đến khi được đồng đội tìm thấy. Giữa trưa
nắng Dầu Tiếng, khi những mảnh xương liệt sĩ đầu tiên xuất hiện lẫn trong bùn đất,
có người cựu binh già vừa gọi điện báo tin khắp nơi cho anh em bạn bè, vừa khóc
nức nở. Cuộc tìm kiếm này, ông đã nguyện, nếu không có kết quả, ông cũng sẽ nằm
lại với đồng đội.
ĐỂ TRẢ NỢ ĐỒNG ĐỘI
Cho đến bây giờ, khi nhắc về cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở huyện
Dầu Tiếng (Bình Dương) vào năm 2015, cựu binh Nguyễn Thanh Hà vẫn không nguôi
niềm xúc động. Đồng đội ông, 187 người đã ra đi, không kịp nói một lời vĩnh biệt,
không được nhớ mặt gọi tên. Thân xác các anh vùi sâu vào lòng đất mẹ. 50 năm
sau, bầu trời hòa bình đã xanh biếc trên đầu.
Ngày 22/11/1965, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 của ta mở đợt tấn
công vào căn cứ Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 của Mỹ - Ngụy. Trước trận đánh tại Làng
10 – Dầu Tiếng (nay là ấp Đồng Trai, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng), trinh sát báo
về địch có 47 xe tăng, trung đoàn chuẩn bị lực lượng tấn công. Vậy nhưng đêm đến,
chúng bí mật tập hợp thêm 100 xe nữa. Quân ta chiến đấu kiên cường, gây cho địch
không ít tổn thất. Nhưng vì quá chênh lệch về lực lượng, bị phản công, rất nhiều
chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. “Ba ngày sau, địch gom xác chở anh em về căn cứ,
kêu gọi dân làng ra nhận. Nhưng không ai nhận. Cuối cùng, chúng mang xác các
anh em chất lên ba xe tải, rồi ra đổ xuống mương nước trong rừng” – cựu binh
Nguyễn Thanh Hà xót xa.
Con mương chiều ngang 2m, sâu khoảng 2m, dài 400m. Sau nửa thế
kỷ, mương nước đã cạn. Vậy mà phải đến lần tìm kiếm thứ tư, sau gần ba ngày đào
xúc cật lực, đội tìm kiếm mới thấy được dấu tích liệt sĩ từ chiếc dép râu. “Đào
ngày thứ nhất không tìm thấy gì. Ngày thứ hai, đào đến hai giờ chiều cả hai xe
xúc đều hỏng cùng một lúc, không cách gì sửa được. Tôi gọi ra Trung tâm nghiên
cứu tiềm năng con người ngoài Hà Nội, xin ý kiến. Các thầy nói rằng, các liệt
sĩ đang thử thách chúng tôi. Giờ phải làm mâm cơm cúng mặn, khấn vái các anh
cho gặp. Tôi làm theo, đốt bảy nén nhang vái khắp bốn phương trời mười phương
Phật, mong anh em có linh thiêng hãy dẫn đường cho chúng tôi tìm thấy. Tôi cứ
làm theo thành khẩn như thế. Đã tìm đến mấy lần rồi, lòng tôi vô cùng xót xa,
không có lý do gì mà một số lượng hài cốt lớn đến như vậy mà mình không thể tìm
ra. Vậy mà rồi kỳ lạ, khi nhang cháy đến một phần ba thì cả hai chiếc xe xúc đều
hoạt động trở lại. Chúng tôi tiếp tục đào khẩn trương, cuối cùng đã tìm được” –
cựu binh Nguyễn Thanh Hà nhớ lại.
Khi mảnh xương hài cốt liệt sĩ đầu tiên được tìm thấy, mọi
người đều vô cùng xúc động. Còn cựu binh Nguyễn Thanh Hà, ông gọi điện báo cho
khắp nơi, những người đồng đội, các cơ quan, các cấp thẩm quyền. Ông vừa nói vừa
khóc. Cuối cùng, ông và các anh em đã tìm ra nơi các chiến sĩ nằm lạnh lẽo suốt
nửa thế kỷ. Hài cốt của các anh, xương sọ, xương ống chân, xương tay lẫn dây nịt,
dây võng, khăn gói cơm vắt bằng vải dù…đều còn, gần như nguyên vẹn.
187 hài cốt đã được tìm thấy trong mương nước giữa rừng.
Tôi ngồi trong căn nhà nhỏ yên tĩnh của ông trên đường An
Bình (Q.5), như hiển hiện trước mắt mình hình ảnh một người già run rẩy khóc. Đồng
đội ông được tìm thấy, cũng có nghĩa là sẽ có câu trả lời về cho gia đình của
các anh. Rằng mấy mươi năm qua, con em họ đã nằm lại ở đâu. “Tôi làm công việc
này, như để trả nợ cho đồng đội tôi, trả nợ với các gia đình chiến sĩ” – cựu
binh Nguyễn Thanh Hà tâm sự. Những cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, ông đi với những
người bạn có cùng tâm nguyện. Tháng 11/2019, ông cũng vừa về huyện Hồng Ngự (Đồng
Tháp) để bắt đầu một cuộc tìm kiếm khác, tìm lại tên cho các liệt sĩ nằm trong
những ngôi mộ vô danh ở nghĩa trang Dòng Chùa, các chiến sĩ đã hy sinh vào ngày
20/3/1973, trong cuộc đối đầu với Pol Pot.
Có lần tìm được hài cốt liệt sĩ Lê Hữu Quốc, hy sinh ngày
12/10/1977 trong trận đánh tại Bến Cầu (Tây Ninh), đưa về gia đình tại Hà Nội.
Ông mới biết có người mẹ già đau ốm nằm liệt giường suốt 4 năm trời, vẫn cứ
ngóng chờ tin con. Ngày đón con trai trở về yên nghỉ ở nghĩa trang Nhổn (Hà Nội),
bà mới cất được gánh nặng chờ mong suốt mấy mươi năm, và rồi bà đã ra đi thanh
thản…
Cựu binh Nguyễn Thanh Hà nói, ông không đếm hết những chuyến
đi khắp các tỉnh, thành miền Nam
để tìm đồng đội. Ông cũng không màng đến những khó khăn vất vả. “Có xe bạn thì
đi, không thì nhảy xe khách, về tỉnh nào cũng có đồng đội của mình. Ngủ sao
cũng được, có gì ăn nấy, bạn bè đồng đội ở khắp miền Nam này mà” – ông nói. Người cựu
binh ấy năm nay đã 77 tuổi, là thương binh hạng nặng, thương tật ¼, mất sức
81%.
“TẤT CẢ ĐỜI TA, SỨC TA
ĐÃ HIẾN DÂNG CHO SỰ NGHIỆP CAO ĐẸP NHẤT”
Khi tôi gọi điện ngỏ lời hẹn gặp, cựu binh Nguyễn Thanh Hà cứ
ngần ngại, nhiều lần hỏi tôi: “Có cần thiết phải viết không con?”. Ông muốn lặng
lẽ làm công việc của mình, trong yên tĩnh. “Công việc của mình làm là trách nhiệm
đối với Tổ Quốc, không phải làm để được khen, hay để cho mọi người biết đến. Chỉ
cái nào lợi cho dân cho nước thì làm. Tôi vốn dĩ đã nghĩ và sống như vậy từ xưa
đến giờ rồi” – cho đến khi được ngồi lại bên ông, tôi mới hiểu đó là lựa chọn của
người lính. Lựa chọn lý tưởng mà một thế hệ tuổi trẻ thời đại ông đã chọn. Như
câu nói của nhân vật Pavel Korchagin (trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy! của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky): “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao
cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; cho khỏi hổ
thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể
nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp
nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.
Con người được sinh ra trong cõi đời này, đều nhận lấy một sứ
mạng. Tôi tin rằng, số phận đã chọn ông, chọn để thử thách, và để làm những điều
ý nghĩa mà ông đã xem đó như là lẽ sống của đời mình. “Cái chết ai mà không sợ.
Vậy mà ông ấy thì không. Bị thương nặng được đơn vị cho phục viên, ông vẫn trốn
viện, vào với đồng đội. Không ai viết giấy giới thiệu, không có suất ăn, không
được trang bị vũ khí, ông cũng nhất quyết bám trụ với đồng đội, sống chết có
nhau” – bà Trần Thị Thanh Quế, người bạn đời của cựu binh Nguyễn Thanh Hà hồi
tưởng. Ông không sợ chết, vì nghĩ, gia đình không còn ai thân thích, cả ba anh
em đều đi lính, không biết ai còn ai mất. Cả một thời trai trẻ, với ông, đơn vị
là nhà, đồng đội là anh em, phía trước chỉ có đường hành quân và những trận chiến.
Chiến tranh ra đi không hẹn ngày về. Người chiến sĩ Nguyễn
Thanh Hà năm ấy, trước mỗi trận chiến đều xác định mình sẽ chết. Kể cả cái lần
bị thương nặng nằm ngất lịm trong trận chiến ở Đồng Rùm – Tây Ninh. Khoảnh khắc
sinh tử ấy, ông đã cố nhìn lại cánh rừng quen thuộc, nhìn bóng dáng đồng đội
xung phong, cố thu vào tầm mắt nguồn sáng cuối cùng khi máu đã chảy tràn trên mặt.
“Vậy mà rồi cũng không chết được. Tôi tỉnh dậy ở trạm xá,
nghe kể lại rằng có một nữ thanh niên xung phong đã tìm thấy, đưa tôi về rồi lại
tất tả lao ra cánh rừng tiếp tục tìm thương binh. Tôi đã tìm kiếm người ân nhân
ấy suốt nhiều năm, nhưng không có manh mối. Có người nói với tôi rằng, cô ấy đã
hy sinh trong cuộc tìm kiếm hôm ấy…” – cựu binh Nguyễn Thanh Hà ngậm ngùi.
Mỗi người già đều là chứng nhân của thời đại. Ký ức của họ là
cả một kho tàng quý giá. Huống gì người già ấy lại trở về từ cuộc chiến. Như cựu
binh Nguyễn Thanh Hà. Cuộc đời ông đã mất mát từ khi còn thơ ấu. Chiến tranh tước
đi sinh mạng của bố mẹ, ba anh em ông mỗi người một nơi làm con nuôi, rồi từ
Hưng Yên xuôi Nam.
Bản thân ông mấy lượt làm con nuôi trong các gia đình, từ Việt Nam đến
Campuchia. Hết tham gia kháng chiến chống Mỹ lại tái ngũ, sang chiến trường K.
Đến giờ, đã bước qua gần trọn kiếp con người, ông vẫn nhớ tất cả, nhớ rõ từng
chi tiết, từng trận chiến, từng đồng đội đã hy sinh. Nhớ để bắt đầu những cuộc
kiếm tìm…
Cuộc tìm mộ đầu tiên bắt đầu từ năm 1994, tìm mộ bố mẹ ông ở
quê nhà. Bố ông hy sinh, nằm lại Ninh Bình, năm 1949. Mẹ ông bị thương khi Pháp
đánh vào Ty công an tỉnh Ninh Bình, được đưa về bệnh viện Thanh Hóa, bà mất,
chôn ở Thanh Hóa, năm 1951. “Bây giờ ông bà đã được nằm cùng nhau ở Ninh Bình.
Khi tìm thấy bố mẹ mình, tôi mới cảm nhận rõ nỗi đau của những gia đình mất con
mà chưa tìm thấy hài cốt. Thân nhân của tôi, tôi đã tìm ra rồi. Còn những người
thân của các liệt sĩ, họ phải tìm kiếm, chờ đợi đến bao giờ. Nếu không đưa các
anh về với gia đình, tôi thấy mình mắc nợ họ, một cái nợ lớn” – cựu binh Nguyễn
Thanh Hà tâm sự.
Những cuộc tìm kiếm của ông vẫn đang tiếp tục. Tây Ninh, Bình
Dương, Bình Phước, Vũng Tàu, sang tận Campuchia…Còn rất nhiều nơi, rất nhiều
hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy. Từ những chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ, ông
còn kết nối làm từ thiện, trao quà, tặng nhà cho gia đình địa phương có hoàn cảnh
khó khăn.
Người cựu binh ấy đã kể cho tôi nghe về những cuộc chiến, về
những hy sinh của đồng đội, về nỗi day dứt khi chưa thể tìm được các anh…Ông
không nói gì về mình. Chỉ đến khi rời đi, tôi mới biết, ông là Thiếu tá, 54 năm
tuổi Đảng.
BÙI TIỂU QUYÊN (Trích
bài viết “Bút ký Quận 5 trong tôi)
BOX:
Cựu binh Nguyễn Thanh Hà, sinh năm 1942 tại Hưng Yên. Năm
1962, ông tham gia kháng chiến chống Mỹ (thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 – Sư
đoàn bộ binh đầu tiên của miền Nam).
Năm 1977, ông chuyển ngành làm Trưởng phòng tổ chức Tổng công ty Lương Thực,
sau đó làm Phó Giám đốc công ty Đồ gỗ xuất khẩu (Sở Ngoại thương TPHCM). Năm
1979, tiếp tục tái ngũ sang chiến trường Campuchia. Năm 1983, ông trở về làm
công tác đối ngoại cho đoàn 478 Bộ Quốc phòng.
Ngày 21/3/1967, Mỹ đổ 45.000 quân xuống Tây Ninh nhằm tiêu diệt
các cơ quan đầu não của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, trong
chiến dịch Junction City kéo dài 53 ngày đêm. Đơn vị chủ lực lúc đó có sư đoàn
5, sư đoàn 7, sư đoàn 9. “Đêm nào cũng chuẩn bị 10 giờ đêm mỗi chiến sĩ có một
nắm cơm, sẵn sàng chiến đấu. Địch đổ quân vào với trên 100 xe tăng, san ủi cây
rừng rạp ngọn. Mình đánh vào, chiến đấu từ 5 giờ 30 phút sáng đến 2 giờ chiều.
Khi tiếng súng bắt đầu thưa thớt, tôi nấp dưới gò mối, bắn nhử để xác định vị
trí địch bắn vào, nhờ thế ta tiêu diệt được 3 xe tăng địch. Sau không nghe súng
địch bắn trả nữa, tưởng rằng chúng đã yếu thế, tôi vừa nhỏm dậy hô anh em xung
phong thì trúng đạn 12,7 ly, máu tuôn xối xả, chỉ còn kịp xếp nón vải làm tư, cầm
máu. Tôi nằm đó và thấy đồng đội tiếp tục xung phong, nhiều người ngã xuống…” –
cựu binh Nguyễn Thanh Hà, người trở về từ cuộc chiến tranh, đã chẳng thể nào
quên những năm tháng đã sống, đã chiến đấu, vì một lý tưởng chung nhất là giải
phóng, hòa bình cho dân tộc.