Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

 

BÁC HỒ VỚI ĐẠI ĐOÀN QUÂN TIÊN PHONG

TẠI ĐỀN HÙNG (PHÚ THỌ)

 

(ĐCSVN) - Vào khoảng 10 giờ ngày 19/9, Bác gặp gỡ các cán bộ đại diện cho Đại đoàn quân Tiên phong tại đền Giếng. Ngay khi mở đầu bài nói, Bác đã đặt câu hỏi kiểm tra kiến thức của cán bộ, chiến sỹ về lịch sử Đền Hùng. Người giảng giải về ý nghĩa của Đền Hùng: “Hôm nay, gặp các chú ở Đền Hùng có ý nghĩa rất to lớn vì Vua Hùng là một vị khai quốc”.

Sau ngày thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân đất Tổ đang triển khai đợt sinh hoạt chính trị quán triệt Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tình hình, nhiệm vụ và chính sách mới của Đảng; chuẩn bị nhân lực, điều kiện cho các cơ quan, đơn vị và đồng bào về nơi ở cũ; phục vụ đợt trao trả tù binh Pháp bị thương trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Việt Trì..., Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về Phú Thọ, thắp hương viếng các Vua Hùng và gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn Quân Tiên Phong, giao nhiệm vụ trước khi về tiếp quản Thủ đô.

 Sáng ngày 18/8/1954, Bác từ "Thủ đô kháng chiến" (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) về Phú Thọ. Trên đường đi, Bác vào thăm một đơn vị bộ đội đang đóng quân ở đồi Chò, thôn Kim Lăng, xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng (lúc đó là xã Ba Đình, huyện Phù Ninh). Tại đây, Bác đã có cuộc nói chuyện với các cán bộ trong lực lượng quân tình nguyện Việt Nam làm công tác dân vận vũ trang tuyên truyền ở nước bạn Lào, được Trung ương triệu tập về nước để học tập về tình hình, nhiệm vụ mới sau thắng lợi của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Sau khi đi thăm nơi ăn, nơi ở, hỏi thăm tình hình sức khỏe, học tập và công tác của các cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị, Bác căn dặn mọi người quyết tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương đã giao cho.

Gần trưa, Bác vào thăm thị xã Phú Thọ để tìm hiểu tình hình đời sống và việc làm của đồng bào sau khi hoà bình được lập lại. Sau đó, Người đến địa điểm sơ tán của Văn phòng Tỉnh uỷ Phú Thọ ở thôn Quang Trung, xã Thanh Hà - ngoại vi thị xã Phú Thọ. Lúc này, các đồng chí lãnh đạo của Tỉnh ủy đều đi công tác, gặp đồng chí Phạm Dụ - Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ và đồng chí Trần Lưu Vị - Trưởng Ban cán sự Đảng thị xã Phú Thọ, Bác hỏi một số tình hình chung của tỉnh và tình hình của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông khi Hoàng thân qua Phú Thọ. Người giao nhiệm vụ cho đồng chí Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ báo cáo với Tỉnh uỷ về những điều Bác dặn: Phải giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình bộ đội gặp khó khăn; cần quản lý đô thị, sửa sang đường xá cho tốt và đảm bảo tính nguyên tắc trong chế độ thông tin giữa cấp dưới với cấp trên.

Chiều tối ngày 18/9/1954, Bác về đến Đền Hùng và nghỉ qua đêm tại đây. Sáng ngày 19/9, Bác cùng đồng chí Song Hào - Chính uỷ Đại đoàn Quân Tiên Phong, đồng chí Nguyễn Văn Thanh và một số đồng chí bảo vệ đi thăm các di tích. Người đi thăm Đền Hạ, chùa Thiền Quang, Đền Trung, Đền Thượng, viếng Lăng mộ Vua Hùng và Đền Giếng. Khi đến trước cửa chùa Thiền Quang, Bác dừng chân nghỉ lại dưới gốc cây Thiên Tuế, nghe đồng chí Song Hào báo cáo tình hình chuẩn bị tiếp quản Thủ đô của Đại đoàn Quân Tiên Phong.

Vào khoảng 10 giờ ngày 19/9, Bác gặp gỡ các cán bộ đại diện cho Đại đoàn Quân Tiên Phong tại đền Giếng. Ngay khi mở đầu bài nói, Bác đã đặt câu hỏi kiểm tra kiến thức của cán bộ, chiến sỹ về lịch sử Đền Hùng. Người giảng giải về ý nghĩa của Đền Hùng: “Hôm nay, gặp các chú ở Đền Hùng có ý nghĩa rất to lớn vì Vua Hùng là một vị khai quốc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô của Đại đoàn Quân Tiên Phong là rất quan trọng và vinh dự. Người căn dặn: Khi vào tiếp quản Thủ đô phải giữ gìn quân phong, giữ nghiêm kỷ luật; phải đoàn kết rộng rãi, tôn trọng, gần dân và giúp đỡ nhân dân; chú ý học tập, rèn luyện, tránh sa ngã, bị cám dỗ trước những "viên đạn bọc đường". Nhiệm vụ giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta còn rất nặng nề và quan trọng, Người căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước,Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" .

Câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng không những có ý nghĩa giáo dục lớn về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tinh thần đại đoàn kết, mà còn là sự tôn vinh tổ tiên, tôn vinh Quốc tổ Hùng Vương, nơi cội nguồn dân tộc. Câu nói của Người vừa thể hiện lòng biết ơn với các vua Hùng “đã có công dựng nước”, đồng thời đề ra nhiệm vụ kế tục, tiếp nối sứ mệnh lịch sử cao cả của lớp cháu con: “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời nói của Bác như lời hiệu triệu và kết tinh tinh thần đoàn kết toàn dân tộc của những người chung một dòng dõi Lạc Hồng cùng nhau bảo vệ bờ cõi non sông, đất nước.

 Theo Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, tr 57- 59.

 

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2024

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG, ĐẠO ĐỨC PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

 

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA


“Lương thực, vũ khí là mồ hôi nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội. Vì vậy, phải quý trọng nó, phải tiết kiệm, ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý”. Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Bài nói tại Hội nghị cán bộ chuẩn bị Chiến dịch Tây Bắc”, ngày 09 tháng 9 năm 1952. 

Bước vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhu cầu lương thực, vũ khí cho chiến trường ngày càng lớn, trong khi công tác hậu cần, tiếp tế ngày càng khó khăn, gian khổ. Dự Hội nghị cán bộ chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Bắc (1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những ý kiến định hướng và chỉ đạo, đồng thời động viên, khơi dậy tinh thần quyết tâm của cán bộ tại Hội nghị. Câu nói của Bác là sự khẳng định vai trò to lớn của lương thực, vũ khí đối với sự nghiệp kháng chiến của quân và dân ta, là nguồn sức mạnh giúp bộ đội yên tâm cầm súng chiến đấu, tin tưởng vào thắng lợi. Lời dạy của Bác là sự căn dặn về thái độ của mỗi cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận đối với lương thực và vũ khí, từ đó có trách nhiệm bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nhất, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

Lời dạy của Bác năm xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị về lý luận và thực tiễn đối với mọi cấp, mọi ngành, mọi người về ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Mặc dù sự nghiệp đổi mới đã và đang thu được nhiều thành tựu to lớn, nhưng đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển đất nước phải tiết kiệm, hợp lý. Những tài sản Nhà nước và bộ máy chính quyền các cấp đều từ đóng góp của người dân, đòi hỏi người sử dụng phải có ý thức giữ gìn, bảo quản và sử dụng tiết kiệm. Mỗi người cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình, thực hiện cần, kiệm, đóng góp một phần công sức vào công cuộc xây dựng đất nước.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ toàn quân tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các phong trào thi đua: “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; phong trào thi đua của các chuyên ngành Hậu cần và Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” đã phát huy tinh thần tiết kiệm, giữ tốt, dùng bền các loại vũ khí, trang bị trong biên chế. Trước hết, mỗi người cần phải có nhận thức sâu sắc ý nghĩa, vai trò của việc tiết kiệm và sử dụng hợp lý lương thực, thực phẩm, điện, nước, chất đốt, vũ khí trang bị… Trên cơ sở đó, cụ thể hóa trong công tác hằng ngày, bằng việc tiết kiệm những tiêu dùng không cần thiết như điện, nước, lương thực, thực phẩm, văn phòng phẩm…; bảo quản và sử dụng đúng mục đích các loại vũ khí, khí tài, trang bị trong huấn luyện, diễn tập và thực hiện các nhiệm vụ.

Đặc biệt, trong công tác quản lý, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, vừa thực hiện đúng, đủ tiêu chuẩn, chế độ cho bộ đội, vừa không để xảy ra tình trạng tiêu cực, lãng phí. Ngoài ra, phải đấu tranh kiên quyết và có hiệu quả với những biểu hiện lãng phí, những hành vi sai trái trong bảo quản, sử dụng không đúng mục đích các trang thiết bị, thiết thực góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ban Biên tập (Lược trích "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" do NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản năm 2019)

 

  BÁC HỒ VỚI "TẾT TRỒNG CÂY" Tết Canh Tý năm 1960, trong không khí sôi nổi mừng Đảng, mừng xuân, sáng ngày 11/01/1960, Chủ tịch ...