Thứ Hai, 22 tháng 4, 2024

KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

 

NHỚ BÁC HỒ TRONG NGÀY “ĐẤT NƯỚC TRỌN NIỀM VUI”

 


Trong những ngày tháng Tư này, trên khắp cả nước đang ra sức thi đua chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024). Lòng người xốn xang như được sống lại khí thế hào hùng của hơn bốn mươi lăm năm về trước - ngày “Đất nước trọn niềm vui” như tên ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Hoàng Hà. Vui ngày toàn thắng, mỗi người con Việt Nam lại nhớ Bác Hồ kính yêu vô hạn, người anh hùng giải phóng dân tộc, vị lãnh tụ vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, làm rạng rỡ non sông đất nước ta.

Thắng lợi to lớn của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước cũng như những trang sử chói lọi của cách mạng Việt Nam mãi mãi gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để có được chiến thắng ngày 30/4/1975 lịch sử, vào ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral La Touche De Tréville từ Bến cảng Nhà Rồng thành phố Sài Gòn - Gia Định, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc với quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Từ đây, Bác của chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình 30 năm bôn ba khắp chân trời, góc bể, chịu không ít hiểm nguy, gian khổ đi tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

Những hy sinh, vất vả của Bác đã được đền đáp. Vào một ngày tháng 7 năm 1920, đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo (Pháp), Nguyễn Ái Quốc lập tức bị cuốn hút vì tính chất cách mạng triệt để của nó, vì nó đã giải đáp thỏa đáng những điều mà bấy lâu nay Người hằng mong ước, đợi chờ. Luận cương của V.I.Lênin như luồng ánh sáng chiếu rọi vào trí tuệ và tâm hồn của Nguyễn Ái Quốc, đem đến cho Người một nhãn quan chính trị mới. Từ đó, Bác hoàn toàn tin theo V.I.Lênin và quyết đi con đường cách mạng mà V.I.Lênin đã vạch ra. Từ lập trường của một người yêu nước, Người chuyển sang lập trường của một người cộng sản. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đến khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

Kể từ đây, cách mạng Việt Nam đã có ánh sáng soi đường, đưa chúng ta đi tới những ngày lịch sử vinh quang, vĩ đại: Ngày 3/2/1930, Bác sáng lập ra Đảng để gánh vác nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đất nước; ngày 2/9/1945, Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; ngày 7/5/1954, với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chúng ta đã giải phóng miền Bắc, chuẩn bị cho thống nhất đất nước; ngày 30/4/1975 đánh dấu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông Việt Nam thu về một mối.

Bác Hồ đã lãnh đạo cuộc kháng chiến của dân tộc ta để có ngày 30/4/1975 bằng cả sự chăm lo: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu cực, chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Bởi “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, “Đồng bào Nam Bộ là dân tộc nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”. Với Người, đất nước, núi sông Việt Nam là một khối thống nhất, Bắc - Trung - Nam “Không thể phân chia, kết đoàn ba miền như con một cha, nhà một nóc, no đói, rách lành sẻ chia, đùm bọc, không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta”…

Khi cuộc trường chinh chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc, một nửa đất nước sạch bóng ngoại xâm, song cả dân tộc vẫn chịu nỗi đau chia cắt do âm mưu và hành động xâm lược của đế quốc Mỹ. Hòa bình lập lại trên miền Bắc nhưng trái tim Hồ Chí Minh chưa phút nào yên, vì miền Nam còn bị quân thù giày xéo. Người luôn trăn trở khôn nguôi về miền Nam, về sự nghiệp giải phóng đất nước vẫn còn chưa hoàn tất. Giải phóng miền Nam thống nhất non sông giờ đây trở thành mục tiêu hàng đầu của mọi người Việt Nam yêu nước thương nòi và đó cũng chính là quyết tâm không lay chuyển của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Cùng với những quyết sách sáng suốt, những chỉ đạo chiến lược, tài tình, Bác cũng truyền cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tình yêu thương vô bờ bến, niềm tin mãnh liệt vào ngày toàn thắng qua những bức thư, những bài thơ đi sâu vào lòng người như Thơ chúc Tết năm 1968:

“Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà.

Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta!”.

Hay bài thơ chúc Tết năm 1969:

“… Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào,

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,

Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”

Cho đến những ngày sắp phải đi xa về với “thế giới người hiền”, Trong bản Di chúc thiêng liêng, Bác vẫn giữ một niềm tin sắt đá: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Người căn dặn: “CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Còn non, còn nước, còn người,

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”

Và để lại “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những lời căn dặn cuối cùng đầy nhiệt huyết, thắm đượm tình người của một người cộng sản chân chính, một người chiến sĩ kiên trung đã hiến dâng cả cuộc đời vì nền độc lập cho dân tộc, thống nhất cho Tổ quốc.

Nhờ vậy mà ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với lòng kính yêu và thương tiếc vô hạn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã biến đau thương thành hành động cách mạng và liên tiếp giành được những chiến công vang dội: Cuộc tiến công chiến lược năm 1972; chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972; và đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975. Đúng 11 giờ 30 phút trưa ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng phấp phới tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, báo hiệu chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ kính yêu toàn thắng, miền Nam đã được hoàn toàn giải phóng, non sông nối liền một dải, đất nước thu về một mối. Từ đây, Nam - Bắc sum họp một nhà, chung vui niềm vui thống nhất. Khát vọng “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực.

Chiến thắng 30/4 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam; là chiến thắng của sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, của sự ủng hộ giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.

Chiến tranh đã lùi xa, lớp bụi thời gian có thể xóa nhòa đi nhiều thứ trong cuộc sống, nhưng những cống hiến, hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh đi trước vì nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước sẽ vẫn còn mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Giờ đây, mỗi sớm mai thức dậy, được chào ngày mới an lành, hạnh phúc, chúng ta càng thấm thía giá trị cuộc sống độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất. Để rồi trong niềm vui hân hoan thái bình ấy, chúng ta càng thêm biết ơn công lao trời biển của Bác Hồ kính yêu đã dành cho nước cho dân, củahàng triệu người con ưu tú khác đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong các cuộc kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; càng trân trọng thành quả cách mạng của dân tộc, trân trọng nền hòa bình, độc lập, thống nhất hôm nay. Hướng tới kỷ niệm ngày “Đất nước trọn niềm vui”, với tất cả tinh thần biết ơn Đảng, ơn Bác, ơn các bậc tiền bối, chúng ta kiên quyết bảo vệ những gì đã giành được, nỗ lực phấn đấu hết sức mình, giữ vững độc lập tự do, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc để con cháu Lạc Hồng hôm nay và muôn đời sau luôn được sống trong hòa bình, hạnh phúc.

Thu Hiền

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2024

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM QUẬN 5 LẦN THỨ XIII, NHIỆM KỲ 2024 - 2029

 “ÐẠI ĐOÀN KẾT” - “ÐẠI THÀNH CÔNG”

BÀI HỌC CHỮ “ĐỒNG” TRONG DI SẢN HỒ CHÍ MINH


      Kế thừa và phát triển truyền thống đoàn kết của dân tộc từ Hội nghị bô lão Diên Hồng đến “tập hợp bốn phương manh lệ”, Hồ Chí Minh xây dựng tinh thần đoàn kết mang hàm lượng khoa học, cách mạng và nhân văn. Tư tưởng đại đoàn kết là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp cách mạng của Người. Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, trong Thơ chúc Tết hay Thư chúc mừng năm mới, Người luôn dành tình cảm đặc biệt với đồng bào, đồng chí, người Việt Nam ở nước ngoài và bè bạn quốc tế, trong đó không quên chúc đồng bào đoàn kết với một năng lượng mới, sinh khí mới, niềm vui mới, tràn đầy niềm tin và nhựa sống.

Đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, là đòi hỏi khách quan của cách mạng, được Người rút ra thành những bài học kinh nghiệm lịch sử quý giá, những kết luận có tính chân lý: “Đoàn kết làm ra sức mạnh”; “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”; “Đoàn kết là một lực lượng vô địch”; “Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công”. “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.

Đúc kết lại, đó là bài học chữ “đồng”: “Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!”. Trong thực tế cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ rõ đoàn kết như một mục tiêu, một nhiệm vụ của Đảng: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC”. Vì vậy, củng cố, tăng cường đoàn kết là phải đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.

Đoàn kết ở tầm “Đại đoàn kết” trong tư tưởng Hồ Chí Minh phải lấy lợi ích tối cao của Tổ quốc, của nhân dân là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh làm nền tảng và tôn trọng, quan tâm lợi ích chính đáng của cá nhân. Đoàn kết rộng rãi tất cả các tầng lớp, các dân tộc anh em, đồng bào lương, giáo, đảng phái, ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ theo phương châm “cầu đồng tồn dị”; bao dung, khoan dung, độ lượng, nhân ái, nhân nghĩa, xóa bỏ mọi thành kiến. Đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tìm mẫu số chung của dân tộc thay vì khoét sâu sự cách biệt, quy tụ thay vì loại trừ.

Hồ Chí Minh đánh giá cao, đầy đủ, toàn diện vai trò của quần chúng nhân dân. Di sản của Người cho thấy trong thế giới ngày nay, không có gì mạnh mẽ hơn sức mạnh đoàn kết của nhân dân; không có cái gì có thể chống lại sự đoàn kết của nhân dân; không có cái gì quý báu hơn nhân dân; không có gì ngăn cản được mặt trời mọc, không ai có thể đi ngược lại ý muốn của nhân dân. Trong xã hội không có gì đẹp đẽ hơn và vinh dự hơn là phục vụ nhân dân. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn.

Đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải ở lời nói, khẩu hiệu mà biến thành lực lượng vật chất có tổ chức. Đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công. Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi. Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân ta đã giành được thắng lợi trong công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc. “Đại đoàn kết” đi tới “Đại thành công”.

Vẹn nguyên giá trị của “Thế nước - Lòng dân”

Năm 2023, cùng với thế giới, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều dự báo. Đó là hậu quả nặng nề kéo dài của đại dịch Covid-19; xung đột Nga-Ukraine, xung đột Hamas-Israel tại dải Gaza; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm…

Tuy vậy, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng của nền kinh tế toàn cầu. Hoạt động đối ngoại là điểm sáng nổi bật của năm 2023. Sức mạnh đoàn kết đã tỏ rõ một dân tộc không ngã tay chèo trước sóng cả, tạc vào thế kỷ “dáng đứng Việt Nam”. Càng trong gian nan, thử thách, hoạn nạn, tinh thần đoàn kết của dân ta càng được củng cố, bồi đắp, nâng cao thể hiện ở tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Một Việt Nam được định vị bằng sức mạnh của ý Đảng - lòng dân, lòng dân - ý Đảng dưới ánh sáng tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có lúc, có nơi chưa được quan tâm và phát huy đầy đủ. Các nguồn lực và tài năng sáng tạo của nhân dân chưa được phát huy tốt. Hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cả nội dung và phương thức có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới. Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm. Nguyên nhân và cũng là bài học lớn từ những thành tựu có ý nghĩa lịch sử và hạn chế, khuyết điểm là vun bồi “thế trận lòng dân”, “yên dân” để có được “Thế nước - Lòng dân”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả.

Để có được đoàn kết rộng rãi, vững chắc, lâu dài cần phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc làm điểm tương đồng. Đó là tư tưởng xuyên suốt của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII. Cần một hệ giải pháp đồng bộ cả kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại, trong đó những điểm căn cốt nhất là tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự nhất trí, thống nhất trong Đảng để Đảng đúng tầm, xứng danh lãnh đạo.

Phát huy thật sự dân chủ xã hội chủ nghĩa vì đó là của quý báu nhất của nhân dân để khẳng định địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Phải thật sự trọng dân, tin dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân; lắng nghe, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc, nguyện vọng chính đáng của dân. Giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích các thành viên trong xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm tác dụng, hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội.

Xét đến cùng, nhân tố có ý nghĩa quyết định là con người vì mọi việc đều do người làm ra. Công cuộc đổi mới là do con người, vì con người; con người là trung tâm, mục tiêu của đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, phát huy vai trò chủ thể của nông dân, phát triển đội ngũ doanh nhân cả số lượng và chất lượng, xây dựng các giai tầng, đội ngũ trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, việc xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, nâng cao dân trí, nhân lực, trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành phải được coi là điểm mấu chốt.

Với truyền thống: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng, điều quan trọng nhất là mỗi con dân nước Việt biết khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, quyết tâm, đồng tâm, khát vọng cống hiến, chúng ta sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là một nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

 

PGS, TS BÙI ĐÌNH PHONG

Theo Báo Nhân Dân

  BÁC HỒ VỚI "TẾT TRỒNG CÂY" Tết Canh Tý năm 1960, trong không khí sôi nổi mừng Đảng, mừng xuân, sáng ngày 11/01/1960, Chủ tịch ...