BÁC HỒ VÀ NHỮNG LỜI DẠY VỚI NGƯỜI THẦY THUỐC
Sinh
thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến ngành Y, đến người thầy thuốc.
Bởi ngành Y nói chung, thầy thuốc nói riêng có sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho
toàn dân và trị bệnh cứu người. Những tư tưởng, lời dạy của Người về y đức của
người thầy thuốc được thể hiện thông qua những bài nói, bài viết và thư gửi các
hội nghị y tế toàn quốc đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Người “nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”
Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu
chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu” (Thư gửi Hội
nghị Quân y, tháng 3-1948). Khi gặp “một số anh em quân nhân không được trấn
tĩnh, người thầy thuốc “nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm
hóa họ. Theo Người, thầy thuốc là phải hết lòng yêu thương, tận tình chăm sóc,
quan tâm đến tâm tư, tình cảm của người bệnh. Bởi để chữa trị bệnh tật tận gốc
thì không chỉ nhìn vào những vết thương bề ngoài. Những vấn đề về tinh thần,
tình cảm càng cần phải được quan tâm để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng
như y đức của người thầy thuốc. Mặt khác, theo Bác: “Người bệnh phó thác tính
mệnh của họ nơi các cô các chú (cán bộ y tế - người trích). Chính phủ phó thác
cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một
nhiệm vụ rất vẻ vang”. “Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh
như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.
Hơn
nữa, trong thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế toàn quốc, tháng 6-1953, Người chỉ rõ:
Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy, cán bộ y tế
cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, tận tâm, tận lực phục vụ
nhân dân. Người nhấn mạnh: “Lương y phải kiêm từ mẫu”. Đọc lời dạy của Bác
chúng ta hiểu các thầy thuốc phải có lương tâm và nghĩa vụ cao cả như của người
mẹ hiền đối với bệnh nhân. Có thể nói, lương tâm với người bệnh là cơ sở để
hình thành những đức tính cần thiết của người thầy thuốc. Lời dạy này của Người
đến nay đã trở thành bài học vô cùng quý giá đối với mỗi người thầy thuốc Việt
Nam cũng như cả ngành Y tế.
Theo
Bác, người thầy thuốc vừa phải có đức, vừa phải có tài. Vì vậy, đội ngũ thầy
thuốc, về chuyên môn, cần thường xuyên “học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến
bộ”, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; về chính trị, cần trau
dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ như “yêu nước,
yêu dân, yêu nghề… thi đua học tập, thi đua công tác”. Hơn nữa, người cán bộ y
tế cần quán triệt nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng, tức là phải xây
dựng nền y tế Việt Nam vừa mang tính truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu được
tinh hoa y học của thời đại. Cụ thể, yếu tố dân tộc và thời đại hòa quyện vào
nhau, bổ sung cho nhau, thành một chỉnh thể thống nhất nhằm phục vụ nhân dân
tốt nhất.
Không
chỉ chú ý đến mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, Người còn quan tâm đến
mỗi quan hệ giữa các thầy thuốc, cán cán bộ làm công tác y tế với nhau. Trong
thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế, tháng 2-1955, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết giữa cán
bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các
bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh em giúp việc. Bởi vì
công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần
thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân". Đoàn kết trong y đức
là mối quan hệ đồng nghiệp, giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, giữa những nhân viên
trong ngành y tế cùng nhằm tới mục đích vì sức khỏe con người. Đoàn kết trong
ngành Y là yêu cầu cần thiết để tạo nên sức mạnh, vượt qua khó khăn, hoàn thành
nhiệm vụ chuyên môn.
Thầy thuốc và trách nhiệm
Vào
những năm cuối đời, tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng Bác Hồ vẫn luôn đau đáu nỗi
niềm hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt; về cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm
anh dũng chiến đấu và hy sinh cho cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng
miền Nam, thống nhất nước nhà. Ngày 31/7/1967, trong bức thư khen cán bộ, nhân
viên Quân y, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy
thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục
vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khoẻ của bộ đội, góp phần cùng
toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn
toàn”. Đây là bức thư cuối cùng Người viết gửi ngành Y tế nước ta.
Lúc
cuối đời, trong Bản Di chúc, Bác đã dặn dò phải “phát triển công tác vệ sinh, y
tế…”. Nói như vậy, ta có thể cảm nhận được sự quan tâm của Bác Hồ dành cho
ngành Y tế, cho các thầy thuốc.
Trải
qua thời gian, ngành Y đã lấy nội dung những lời dạy của Người nêu lên làm cốt
lõi tư tưởng trong mọi hoạt động. Thực hiện theo những lời dạy đó, mỗi người
thầy thuốc cách mạng Việt Nam cần tích cực học tập, trau dồi, nâng cao trình độ
chuyên môn, luôn biết tự làm giàu trí tuệ, nâng cao y đức cũng như trách nhiệm
với bệnh nhân. Bao tấm gương đẹp, tận tụy, hết lòng, hết sức phục vụ người bệnh
nở rộ trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân: BS Phạm Ngọc Thạch,
GS Tôn Thất Tùng, GS Đặng Văn Ngữ, v.v. đều đã thấm nhuần và làm theo lời dạy
của Người về y đức.
Năm
1979, Bộ Y tế ra 5 tiêu chuẩn của người cán bộ y tế nhân dân. Năm 1982, Bộ Y tế
nêu những yêu cầu cụ thể về “Thương yêu người bệnh” cho cán bộ, nhân viên hoạt
động trong các lĩnh vực khác nhau đối với việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân
dân. Năm 1996, Bộ trưởng Bộ y tế Đỗ Nguyên Phương nêu lên 12 điều quy định về y
đức. Ngày 10-8-1999, lại ban hành Quy định về đạo đức hành nghề dược. Ngày
03-01-2000, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi thư cho ngành Y tế qua báo Sức khỏe và
Đời sống đã phát triển, làm rõ hơn, cụ thể hơn lời dạy của Bác Hồ về y đức
trong hoàn cảnh mới của đất nước. Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức
từng giai đoạn, từng thời kỳ đã được cụ thể hóa thành những việc rõ ràng trong
công tác phục vụ người bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hồ Chí Minh
đã sáng tạo ra một thời đại mới, một nền văn hóa mới, đạo đức cách mạng mới
trong lịch sử dân tộc.
Hiện
nay, cán bộ, nhân viên y tế cùng với các cơ quan, đoàn thể, ban ngành đã và
đang nâng cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tích cực quan tâm xây dựng đời
sống mới cho nhân dân, nâng cao thể lực cho nhân dân và đội ngũ cán bộ y tế
thường xuyên rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe.
Gắn
riêng trong Quân đội, hiện nay, việc giáo dục nâng cao y đức cho đội ngũ thầy
thuốc trong quân đội có ý nghĩa to lớn, góp phần xây dựng nguồn lực con người,
nhân tố góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh
nhuệ và từng bước hiện đại.
Đối
với riêng Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ y tế “giữ gìn lâu
dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh” - được Đảng, Nhà
nước và nhân dân giao phó được hoàn thành tốt. Các bác sĩ của Viện 69 luôn nêu
cao tinh thần trách nhiệm, đã và đang tích cực học tập, trau dồi, nâng cao
trình độ chuyên môn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tóm
lại, tư tưởng về đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là “Pháp bảo” của
ngành Y tế, soi đường chỉ lối cho những người làm công tác y tế vượt qua mọi
khó khăn, thử thách, xây dựng và phát triển ngành, đáp ứng yêu cầu ngày càng
cao trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân./.
Thanh Huyền (Tổng hợp)