Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM (20/10/1930 - 20/10/2023)

 

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI PHỤ NỮ VIỆT NAM

 Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của phụ nữ Việt Nam trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Người xác định phụ nữ là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhận thấy phụ nữ có nhiều khả năng làm lãnh đạo, từ cấp cơ sở đến trung ương, đo đó, Người đề nghị Đảng, Chính phủ và các cấp, các ngành phải đặc biệt chú ý, cất nhắc phụ nữ vào đúng những vị trí, chức vụ phù hợp với khả năng để chị em có điều kiện phát huy năng lực của mình.



1. Bác Hồ mong muốn giải phóng phụ nữ và đánh giá cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội

Ngay từ những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ luôn quan tâm đến phụ nữ và trẻ em ở những nước thuộc địa nói chung, Việt Nam nói riêng. Người cho đó là những lớp người khổ nhất trong những người khổ cực, họ không những phải chịu đựng nỗi đau của người dân mất nước, bị tước đoạt hết các quyền tự do, dân chủ mà còn bị ngược đãi, chà đạp lên cả phẩm giá con người.

Xuất phát từ lòng nhân ái bao la và sự đồng cảm sâu sắc với nỗi đau khổ mà người phụ nữ phải gánh chịu dưới chế độ thực dân, phong kiến nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt ra yêu cầu bức thiết phải giải phóng “nửa thế giới” khỏi “xiềng xích nô lệ”. Người xác định: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”.

Trong tác phẩm “Ðường Kách mệnh”, Bác viết: “Ông Các Mác nói rằng: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi”; “Ông Lê-nin nói: Ðảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công...” . Sau khi đã trở thành Chủ tịch nước, Người luôn dành tình cảm, sự ưu ái, ân cần của mình đối với phụ nữ.

Trong Thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Người viết: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Điều này một lần nữa được Người khẳng định trong cuốn sách “Lịch sử nước ta”: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời”. Tại Đại hội liên hoan phụ nữ “Năm tốt”, ngày 30/4/1964, Bác khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta đã góp phần khá lớn làm cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi vẻ vang (…) Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội”.

Cùng với việc đánh giá cao sự đóng góp của phụ nữ trong kháng chiến, trong xây dựng đất nước, Bác căn dặn phụ nữ cần phải luôn cố gắng hơn nữa: “…Tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xoá bỏ cái tâm lý tự ty và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật (…) Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị người làm chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.

Ngày 9-3-1961, khi nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần III, Bác dặn dò phụ nữ phải nhận rõ địa vị làm chủ của mình: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, trước mắt là thi đua hoàn thành tốt kế hoạch năm nay, để làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm, để xây dựng đời sống tươi vui hạnh phúc cho nhân dân ta, cho con cháu ta”.

Tại Đại hội liên hoan Phụ nữ “Năm tốt” (ngày 30/4/1964), Bác mong muốn chị em phải tích cực thi đua, cố gắng học tập, phấn đấu vươn lên: “Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xoá bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập. Có như thế thì phong trào “Năm tốt” sẽ ngày càng lan rộng, ăn sâu và sẽ thực hiện 100% bình quyền, bình đẳng” .

Xuất phát từ vai trò, vị trí và những đóng góp của phụ nữ, Bác Hồ đã nhiều lần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia hoạt động, phấn đấu. Khi nói chuyện tại Lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện (18/1/1967), Bác phê bình sự thiếu sót trong bồi dưỡng cán bộ nữ, Người đánh giá cao vai trò của cán bộ nữ đồng thời yêu cầu phải đấu tranh mạnh bệnh thành kiến hẹp hòi đối với phụ nữ: “Cán bộ nữ ít như vậy là một thiếu sót. Các đồng chí phụ trách lớp học chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ nữ. Đây cũng là thiếu sót chung ở trong Đảng. Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai. Hiện nay, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở cơ sở. Nhiều người công tác rất giỏi. Có cháu gái làm chủ nhiệm hợp tác xã toàn thôn, không những hăng hái mà còn làm rất tốt. Các cháu gái ở các hợp tác xã thường có nhiều ưu điểm: ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách, mệnh lệnh như một số cán bộ nam, có đúng như thế không? Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ. Các cô, nhất là các cô ở huyện, phải đấu tranh mạnh. Vì các cô mà không đấu tranh thì những đồng chí nam có thành kiến với phụ nữ sẽ không tích cực sửa chữa” .

Trước lúc đi xa, Người vẫn đau đáu một nỗi niềm: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo” .

Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước lúc đi xa, Người đã không quên nhắc tới phụ nữ Việt Nam: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Những lời chỉ dạy, quan tâm của Người đối với phụ nữ từ khi ra đi tìm đường cứu nước, cho đến những lời di chúc để lại trước lúc đi xa, đều thể hiện tình cảm cao quý, lòng yêu mến và đánh giá cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Đó vừa là tình cảm, vừa là huấn thị thiêng liêng mà Bác dành cho phụ nữ Việt Nam.

2. Phụ nữ Việt Nam làm theo lời Bác dạy

Đáp lại niềm tin tưởng và tình cảm trân quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ Việt Nam đã không quản ngại khó khăn vất vả, luôn anh dũng chiến đấu, kề vai sát cánh cùng nam giới trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước. Không chỉ trên tiền tuyến mà ở cả hậu phương, chị em phụ nữ cũng luôn phấn đấu thi đua tăng gia sản xuất, nuôi dạy con ngoan, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.

Vị thế của người phụ nữ ngày càng được nâng cao trong gia đình và ngoài xã hội. Họ không chỉ làm tốt thiên chức “làm vợ, làm mẹ” mà còn hoàn thành vai trò của một người công dân với xã hội. Các thế hệ phụ nữ Việt Nam luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để tiếp tục phát huy những truyền thống hào hùng của phụ nữ Việt Nam, tích cực trên mọi mặt trận, góp phần xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu mạnh, văn mình, xây dựng và phát triển phong trào phụ nữ ngày càng phát triển.

Khắc sâu lời dạy của Người, ngày nay “một nửa thế giới” đã nỗ lực vươn lên để khẳng định mình. Vị thế của người phụ nữ ngày càng được nâng cao trong gia đình và ngoài xã hội. Họ không chỉ làm tốt thiên chức “làm vợ - làm mẹ” mà còn hoàn thành tốt vai trò của một người công dân đối với xã hội. Thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phụ nữ Việt Nam đã có mặt trên tất cả các lĩnh vực công tác của đời sống xã hội, ngày càng có nhiều chính trị gia; nhà lãnh đạo, quản lý; nhà khoa học và doanh nhân thành đạt  là phụ nữ.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của chị em phụ nữ cả nước, công tác phụ nữ trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển đất nước. Ðể phong trào phụ nữ tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần phối hợp, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ mới, xứng đáng với tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng phụ nữ Việt Nam./.

TS Minh Dương – Ths Duy Tiến

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Thứ Hai, 9 tháng 10, 2023

KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG (15/10/1930 - 15/10/2023) VÀ 24 NĂM NGÀY DÂN VẬN CỦA CẢ NƯỚC (15/10/1999 - 15/10/2024)

 TÁC PHẨM “DÂN VẬN” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

VÀ Ý NGHĨA ĐỐI VỚI CÔNG TÁC DÂN VẬN

CỦA ĐẢNG HIỆN NAY

 

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định đối với thành bại của cách mạng. Tư tưởng đó được Người thể hiện sinh động trong tác phẩm “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ngày 15-10-1949, với bút danh X.Y.Z. Hơn 70 năm trôi qua, tác phẩm “Dân vận” của Người vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác dân vận của Đảng hiện nay.

Sức sống của tác phẩm “Dân vận”



           Bước vào năm 1949, thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn cầm cự, chuẩn bị bước vào những chiến dịch lớn trong cuộc trường kỳ kháng chiến anh dũng của dân tộc, thì tháng 5-1949, Pháp đề ra kế hoạch Rơ-ve, tăng cường hệ thống phòng thủ trên đường số 4, lập hành lang Đông - Tây: Hải Phòng - Hoà Bình - Sơn La, chuẩn bị tiến công Việt Bắc lần thứ hai. Đây là thời điểm quan trọng chuẩn bị vật chất và tinh thần cho những chiến dịch lớn ở Tây Bắc. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhiều bài báo đăng trên Báo Sự thật, Báo Cứu quốc, Báo Quân du kích,… để hiệu triệu, kêu gọi toàn dân cứu nước; trong đó, tác phẩm “Dân vận”, với hình thức bài báo, chỉ với 612 từ, đăng trên báo Sự thật số ra ngày 15-10-1949, với bút danh “X.Y.Z”. Bài báo là sự kết tinh được thể hiện một cách toàn diện, hoàn chỉnh, cô đọng, khúc chiết, dễ hiểu, dễ nhớ tư tưởng Hồ Chí Minh về những vấn đề căn cốt nhất trong công tác dân vận của Đảng, như mối quan hệ giữa dân chủ và dân vận; quan điểm, nguyên tắc tiến hành công tác dân vận; trách nhiệm vận động quần chúng của cả hệ thống chính trị; phương pháp vận động quần chúng và những phẩm chất cần có đối với cán bộ dân vận.

Ngay phần mở đầu, Bác viết: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”; lời nhận định của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, vì trên thực tế, có nhiều cán bộ ở các địa phương hiện nay chưa hiểu đúng và chưa thực hiện đúng, thực hiện chưa tốt công tác dân vận. Người khẳng định bốn vấn đề cốt tử của công tác dân vận: Nước ta là nước dân chủ; dân vận là gì?; ai phụ trách dân vận?; dân vận phải thế nào?(1). Với cách đặt câu hỏi và trả lời ngắn gọn, nhưng Người đã đề cập một cách toàn diện những nguyên lý cơ bản nhất trong công tác dân vận của Đảng.

Trong mục I của tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(2). Chữ “dân” được Người nhắc đến nhiều lần trong từng câu, đó là nguyên lý cơ bản để xây dựng những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng ta đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Trong mục II của tác phẩm “Dân vận là gì?”, Bác lưu ý, “không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”(3).

Trong mục III của tác phẩm “Ai phụ trách dân vận?”, Người nhắc việc “cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu”. Giải thích, đó là cách tốt nhất để dân hiểu đúng, làm đúng, ủng hộ cách mạng, ủng hộ đường lối kháng chiến. Và khi dân đã thông rồi thì phải “đi sát với dân, thiết thực bày vẽ cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, ủ phân, làm cỏ, v.v..”(4). Đặc biệt, yêu cầu của Người đối với cán bộ làm công tác dân vận là “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “phải thật thà nhúng tay vào việc”(5) trở thành những phẩm chất, tác phong không thể thiếu đối với mỗi cán bộ dân vận. Trong thư gửi đồng bào cả nước đăng trên Báo Cứu quốc ngày 28-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”(6).

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, đòi hỏi nhận thức và hành động của người lãnh đạo, người quản lý phải phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI, về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, đã nêu rõ, tăng cường lãnh đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan thông tin đại chúng; mở rộng các kênh thông tin truyền thông, đối thoại trực tiếp với nhân dân, góp phần giải tỏa bức xúc, hoài nghi trong xã hội; người làm công tác dân vận phải có phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân. Hiện nay, tham nhũng, quan liêu và những biểu hiện tiêu cực khác đang ít nhiều làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng. Vì vậy, đẩy mạnh việc phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lợi ích nhóm, xa hoa, lãng phí chính là một nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận, để người dân được nói, được thể hiện quyền, chính kiến của mình, góp phần xây dựng niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đối với cán bộ và tổ chức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn, trước hết, cán bộ, đảng viên phải quan tâm và ra sức làm tốt công tác dân vận; phải tiếp tục chăm lo xây dựng tổ chức, bộ máy nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, trung thành, hết lòng vì nhân dân. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận cần được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật, sát thực tiễn, hợp lòng dân, vì lợi ích của nhân dân. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận, nhất là cán bộ tham mưu cấp chiến lược là việc hệ trọng. Cán bộ chính quyền hay cán bộ đoàn thể đều phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, chia sẻ công việc cụ thể, rõ ràng và thực hiện tốt công việc của mình, vì nhân dân, vì Đảng.

Với tinh thần ấy, Đảng ta đề ra 5 quan điểm tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới: 1- Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ; 2- Động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh; 3- Phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải phù hợp với lợi ích của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo; 4- Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội làm tham mưu và nòng cốt; 5- Nhà nước tiếp tục thể chế hóa quan hệ chính trị - pháp lý “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” thành quy chế, quy định để các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện tốt công tác dân vận; các hình thức tập hợp nhân dân phải phong phú, đa dạng, khoa học, hiệu quả.

Trên cơ sở mục tiêu và quan điểm lãnh đạo công tác dân vận trong tình hình mới, Đảng ta cũng đã nêu rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp; đó là: Một là, tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những kiến nghị chính đáng của nhân dân; bảo đảm các tầng lớp nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết của nhân dân với Đảng và Nhà nước; Hai là, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận; Ba là, tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước; Bốn là, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập chủ quyền, an ninh chính trị; Năm là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng để tập hợp nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Sáu là, quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể nhân dân các cấp vững mạnh; Bảy là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát thực hiện công tác dân vận.

Hơn 70 năm qua, tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giải quyết đúng đắn mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, bảo đảm và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, phát huy tối đa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, góp phần hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XII của Đảng đề ra; đồng thời, tạo cơ sở vững chắc trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Những giải pháp phát huy giá trị của tác phẩm “Dân vận” trong thời gian tới

Để tiếp tục phát huy giá trị lý luận, thực tiễn và ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm “Dân vận” trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ về tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo đảm công tác vận động các tầng lớp nhân dân ngày càng đi vào thực chất, lấy sự hài lòng và niềm tin của nhân dân là thước đo kết quả công tác của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Niềm tin đó là sức mạnh để Đảng ta tiếp tục lãnh đạo đất nước, dân tộc vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được các mục tiêu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng thiết thực, lấy cuộc sống và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân làm trọng tâm của công tác dân vận. Tiếp tục thể chế hóa mối quan hệ chính trị - pháp lý “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” cho phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam hiện nay. Coi trọng công tác dân vận của cơ quan nhà nước, nhất là công tác dân vận chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đạo đức công vụ, cải cách hành chính; lấy sự hài lòng của nhân dân là mục tiêu hoạt động.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bằng nhiều hình thức (gặp gỡ trực tiếp, qua báo chí, mạng xã hội,…), để nhân dân hiểu rõ về tình hình đất nước, tin tưởng và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ tư, cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống, "đảng viên đi trước, làng nước theo sau"; phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”; luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, kiên quyết phòng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Thứ năm, cần quy định rõ trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên; hằng năm tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác dân vận của tập thể cấp ủy, đảng viên, nâng cao chất lượng cán bộ; đồng thời, phải chú trọng nhân rộng các tấm gương cá nhân điển hình trong công tác dân vận.

Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện xuyên suốt tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” và công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trên để thực hiện công tác dân vận hiệu quả, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.

-------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 232

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232 - 233

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232 - 233

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 233

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 233 - 234

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 33

TS. LÊ VĂN HỘI

Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Thứ Hai, 2 tháng 10, 2023

HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI NĂM 2023 VỚI CHỦ ĐỀ “XÂY DỰNG NĂNG LỰC TỰ HỌC TRONG KỶ NGUYÊN SỐ”

 

HỌC, TỰ HỌC VÀ HỌC SUỐT ĐỜI

THEO GƯƠNG BÁC HỒ!



Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập chính là một quá trình tiếp thu tri thức. Việc tự học suốt cuộc đời mỗi người là quan trọng, cần thiết và thường xuyên. Đây là cách tốt nhất để mỗi người làm giàu trí tuệ và nhân cách, để ngày càng tiến bộ…

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng mẫu mực về tinh thần học, tự học và học suốt đời để làm giàu tri thức, nâng cao trình độ mọi mặt của mình. Học và tự học ở Người là một khoa học vừa có kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, vừa là một nghệ thuật trên tinh thần học thường xuyên, suốt đời để vừa học, vừa hoạt động cách mạng, phục vụ cách mạng, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân ngày một tốt hơn khi thấm nhuần, “thực hiện lời dạy của Lênin là học, học nữa, học mãi. Học phải đi đôi với hành. Học để hành càng ngày càng tốt hơn”[1].

Học, tự học và học suốt đời để phát triển bản thân

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập chính là một quá trình tiếp thu tri thức, nên việc học tại trường, lớp, trong những giai đoạn nhất định và tự học suốt cuộc đời mỗi người là quan trọng, cần thiết và thường xuyên. Đó là một quá trình học, tự học và học suốt đời theo phương châm: “Học hành là vô cùng. Học càng nhiều, biết càng nhiều càng tốt”[2]. Vì thế, mỗi người, nhất là người cán bộ, đảng viên nếu không muốn mình trở thành thoái bộ, lạc hậu, thì còn sống còn phải học và “muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng… Phương châm, phương pháp học tập là lý luận liên hệ với thực tế”[3].

Người đã từng nhấn mạnh rằng, “nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”[4]. Do đó, không phải ngẫu nhiên, Người lại nói: “Bác thường nghe nói có đồng chí 40 tuổi đã cho mình là già nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”[5] để nói về yêu cầu cần thiết phải thực hiện quá trình học!

Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì học, tự học luôn gắn liền nhau và đó cũng chính là con đường tốt nhất để mỗi người có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng, nên luôn cố gắng học tập ở mọi nơi, mọi lúc. Người từng tâm sự rằng: “Về văn hóa: Tôi chỉ học hết tiểu học (...). Về hiểu biết phổ thông: Năm 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 29 tuổi mới nghe rađio lần đầu”[6], nên để nâng cao tri thức, đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng mà Tổ quốc và Nhân dân giao phó thì Người chú trọng việc học, tự học và học suốt đời. Vì thế, Người không chỉ khẳng định rằng “học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự giai cấp và Nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”[7], mà còn thực hiện nghiêm túc trên tinh thần nói luôn đi đôi với làm, thống nhất giữa nói và làm, “tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp. Công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”[8].

Cũng theo lời Người thì học, tự học và học suốt đời là một dòng chảy liên tục, phát triển không ngừng: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, Nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp Nhân dân”[9]. Vì thế, quá trình học không nên được chăng hay chớ mà cần phải nghiêm túc, không bỏ bê, không ngắt quãng. Người không chỉ nói, yêu cầu mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng đều phải học, tự học và học suốt đời, mà Người còn là một tấm gương mẫu mực về quá trình tự làm giàu tri thức của bản thân.

Những câu chuyện truyền kỳ về việc học, tự học và học suốt đời của Người, nhất là học ngoại ngữ là tấm gương mẫu mực để ai cũng có thể học tập và làm theo. Thực tế, việc tự học tiếng Pháp của anh Văn Ba khi làm phụ bếp trên tàu Amiral Latouche Tréville và những năm sau đó để có thể viết các bài đăng trên các báo, tạp chí và viết sách để hoạt động cách mạng được hiệu quả hơn; đồng thời thực thi nhiệm vụ tuyên truyền về con đường cách mạng theo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, về phương pháp đấu tranh cách mạng để Nhân dân Việt Nam và Nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc… đấu tranh tự giải phóng dân tộc mình và giải phóng chính mình khỏi ách thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân; việc học tiếng Nga để có thể học ở Đại học Phương Đông, trở thành nghiên cứu sinh, đã hoàn thành các môn học của nghiên cứu sinh và đang viết dở Luận án Phó tiến sĩ với đề tài: “Cách mạng ruộng đất ở các nước Đông Nam Á” tại Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa ở nước Nga Xôviết hay quá trình học, tự học tiếng Hán để làm thơ, viết tác phẩm Ngục Trung nhật ký nổi tiếng… chính là minh chứng sinh động cho thấy ý nghĩa và giá trị thời sự lớn lao của việc học, tự học và học suốt đời của Người.

Và cũng vì thế, việc học tự học và học suốt đời theo những chỉ dẫn và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cho thấy cùng với việc phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, thì mỗi người, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải “cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập” để nỗ lực học trên tinh thần “làm việc gì học việc nấy”, “ở môn nào phải học cho thạo công việc ở trong môn ấy”… mà còn phù hợp với khuyến cáo của UNESCO ngày nay về 4 trụ cột của giáo dục là “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người”.

Học, tự học và học suốt đời theo chỉ dẫn của Người 

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh thì học, tự học và học suốt đời là cách tốt nhất để mỗi người làm giàu trí tuệ và nhân cách, để ngày càng tiến bộ, nên Người đặc biệt quan tâm vấn đề này. Tuy nhiên, với quan điểm: “Học cốt để biết đạo lý làm người, để giúp dân, không nên theo đuổi mục đích đỗ đạt để làm quan và nhũng nhiễu dân”[10], Người từng nhiều lần nhắc nhở rằng học tập không phải chỉ vì bằng cấp, danh thơm tiếng tốt, tiền tài địa vị để vinh thân phì gia, mà là học tập để trở thành người có tri thức, có chuyên môn, văn hóa… gắn liền với việc tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống để mỗi người hội đủ cả đức và tài, vừa hồng vừa chuyên. Quá trình học, tự học và học suốt đời chính là để mở mang hiểu biết, bổ sung tri thức nhằm phát huy tốt hơn những ưu điểm, thế mạnh, sở trường của mình; làm cho năng lực làm chủ, tư duy sáng tạo của mỗi người trong cuộc sống đời thường cũng như trong công tác được nâng lên, tạo hiệu quả thiết thực, góp phần phụng sự Tổ quốc, Nhân dân được tốt hơn.

Vì thế, khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trước tình hình thực tế thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân khiến hơn 90% đồng bào ta bị mù chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi mở chiến dịch chống mù chữ, chống nạn thất học. Trong tư tưởng của Người, thì để xứng đáng với vị thế là chủ và làm chủ đất nước, mỗi người dân - ai ai cũng cần phải đi học, dù là đàn ông hay đàn bà, người già hay người trẻ; dù là công nhân trong hầm mỏ, nhà máy hay người tá điền; là cán bộ, đảng viên hay người làm công tác huấn luyện, giáo dục… cũng đều phải tích cực tham gia vào chiến dịch “xóa mù”. Trên tinh thần, ai biết chữ thì dạy cho người chưa biết chữ; người biết nhiều dạy cho người biết ít; tận dụng mọi nơi, mọi lúc để dạy và học,... phong trào thi đua “Bình dân học vụ”, tiêu diệt “giặc dốt” những năm đầu khi nước nhà mới giành được độc lập theo tư tưởng của Người đã được toàn dân đồng lòng, đồng sức tham gia, triển khai với quyết tâm cao và đã đạt được những thành tựu không thể phủ nhận. Đồng thời, cũng cần phải khẳng định rằng, cùng với việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo theo những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc thực hiện chiến lược “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” để “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam” và “dạy dỗ con em của Nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà” của Người đã góp phần vào thắng lợi của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Để quá trình học của mỗi người được thường xuyên, liên tục và thiết thực, một trong những vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng và khẳng định là “muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng (…) Phương châm, phương pháp học tập là lý luận liên hệ với thực tế”[11] và nhất là người học phải “tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập”[12]. Đặc biệt, trong công tác huấn luyện cán bộ, Người yêu cầu phải “lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”[13] (Sửa đổi lối làm việc, 1947) và “phải biết tự động học”[14] (Nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập, 5/1950); đồng thời nhấn mạnh “cần phải học văn hóa, chính trị, kỹ thuật. Cần phải học lý luận Mác- Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày. Cần phải học kinh nghiệm tốt của các đoàn thanh niên bạn. Học đi đôi với hành”, lý luận gắn liền với thực tiễn, vì “học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”.

Muốn quá trình học, tự học và học suốt đời được hiệu quả, người học hãy tự mình học trong mọi lúc, học ở mọi nơi, học lẫn nhau và nhất là cần phải học ở Nhân dân. Vì rằng, theo Người, dù có học ở trường, lớp, học trong sách vở hay đã học lẫn nhau mà không học ở Nhân dân - học những kinh nghiệm phong phú, quý báu từ Nhân dân thì đó không chỉ “là một thiếu sót rất lớn”, mà còn bỏ lỡ cơ hội để gần gũi, gắn bó với Nhân dân. Thực tế, học, tự học và học suốt đời sẽ giúp mỗi người ngày mỗi ngày tự làm giàu cho mình bằng những điều mới mẻ, những điều hay, lẽ phải, những kinh nghiệm được lưu truyền trong Nhân dân… để có thể vận dụng sáng tạo trong thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng công tác. Vì cuộc sống là không ngừng biến đổi, tri thức cũng ngày một được bổ sung và phong phú, nên sao nhãng việc học, tự học không chỉ là “một khuyết điểm rất to”, mà còn làm cho mình dần trở nên lạc hậu trước thời cuộc.

Học, tự học và học suốt đời là một trong những yêu cầu mà mỗi người, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải nỗ lực thực hiện. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “làm nghề gì cũng phải học, vậy làm cách mạng cũng phải học. Nếu không giáo dục cho đảng viên làm cách mạng mà cứ yêu cầu họ làm cách mạng thì họ không làm tròn được nhiệm vụ”, cho nên quá trình học đó rất quan trọng, trở thành một trong những tiêu chuẩn để “khi cất nhắc cán bộ, phải xem kết quả học tập cũng như kết quả công tác khác mà định” như Người đã căn dặn.

Thực hiện theo tư tưởng của Người, học tập và làm theo Người về việc học, tự học và học tập suốt đời để có đủ kiến thức, tri thức khoa học, nhân cách đạo đức làm công dân tốt, thì mỗi người dân nói chung, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng nói riêng cần phải quán triệt để thực hiện đúng tinh thần: “Mọi người đi học, học thường xuyên, học suốt đời. Phê phán thói lười học. Mọi người chǎm lo cho giáo dục. Các cấp uỷ và tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các đoàn thể Nhân dân, các tổ chức kinh tế, xã hội, các gia đình và các cá nhân đều có trách nhiệm trách nhiệm góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đóng góp trí tuệ, nhân lực, vật lực, tài lực cho giáo dục - đào tạo. Kết hợp giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh ở mọi nơi, trong từng công đồng, từng tập thể” của Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về “Định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000” và Nghị quyết số 29-NQ/TW, khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Cùng với đó, ý nghĩa thiết thực nhất của việc học, tự học và học suốt đời theo gương Bác chính là trong từng cấp ủy, từng tổ chức Đảng việc gắn thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện ""tự diễn biến", "tự chuyển hóa" với Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" phải trở thành nền nếp, nhu cầu tự thân của mỗi người; phải trở thành một tiêu chuẩn/một giá trị đạo đức của người cán bộ, đảng viên nhằm phòng và chống các biểu hiện suy thoái, nhất là “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”./.

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.113

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.349

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.116

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.333

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.113

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.13, tr.187

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.208

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.13, tr.273

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.377

[10] Bác Hồ thời niên thiếu, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.48-49

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.116

[12]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.98

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập,, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.312

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập,, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.360

Văn Thị Thanh Mai; TS. Trần Thị Kim Ninh

Theo Hochiminh.vn

  BÁC HỒ VỚI "TẾT TRỒNG CÂY" Tết Canh Tý năm 1960, trong không khí sôi nổi mừng Đảng, mừng xuân, sáng ngày 11/01/1960, Chủ tịch ...