Thứ Hai, 25 tháng 9, 2023

KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI CAO TUỔI (1/10)

 TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

VỀ NGƯỜI CAO TUỔI



Văn kiện Đại hội IX của Đảng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta”. Trong kho tàng di sản vô giá ấy, có tư tưởng Hồ Chí Minh về người cao tuổi.

Cương lĩnh và Điều lệ Đảng (6/1991) xác định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[1]. Văn kiện Đại hội IX của Đảng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta”[2]. Trong kho tàng di sản vô giá ấy, có tư tưởng Hồ Chí Minh về người cao tuổi. Điều đặc biệt và hiếm có một nhà lãnh đạo, một chính khách trên thế giới, có tầm tư duy chiến lược, khoa học, sâu sắc và toàn diện về sự kính trọng, tinh thần, ý chí, vị trí, vai trò và tin tưởng ở lớp người cao tuổi như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thể hiện thông qua 5 nội dung cơ bản sau đây.

1. Người cao tuổi là vốn quý vô giá của nước nhà

Chủ tịch Hồ Chí Minh - một tấm gương mẫu mực về tình cảm, sự tôn trọng, tin tưởng, phát huy và đề cao vai trò của người cao tuổi (NCT) đối với sự nghiệp cách mạng. Sau gần 30 năm bôn ba năm châu, bốn biển, đầu năm 1941, Người về nước lãnh đạo cách mạng. Với tầm nhìn chiến lược, Người đã nhận thấy rõ vị thế, vai trò, tiềm năng, sức mạnh, sự đoàn kết, những giá trị về tinh thần và vật chất của NCT đối với sự nghiệp cách mạng, gia đình và quê hương, đất nước.

Vấn đề cốt lõi trong tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người cao tuổi đó là sự kính trọng, tôn vinh và đặt niềm tin sâu sắc của Người đối với NCT. Người nói: “Một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang… Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão đã có trọng trách là bậc tôn trưởng. Đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng. Phụ lão làm, nhân dân làm theo”[3]. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở mọi người phải cung kính với các cụ già. Người ngợi ca: “Xưa nay, những người yêu nước không vì tên tuổi già mà chịu ngồi không. Nước ta có những người như Lý Thường Kiệt, càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng”[4]Đầu năm 1956, Người viết bài: “Các cụ già nhiều tuổi nhất của nước ta”. Người đã ghi tên người nhiều tuổi nhất như cụ Hà Văn Quận 123 tuổi; 6 cụ trên 100 tuổi… Người đã gửi lời “kính chúc các cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khoẻ”[5]. Với bất cứ đâu, bất cứ khi nào, khi gặp gỡ, tiếp xúc, Người đều ân cần hỏi thăm chuyện gia đình, nhắc nhở mọi người phải cung kính với các cụ già.

Theo truyền thống văn hoá và phong tục cổ truyền của dân tộc, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, vào dịp đầu năm mới, các địa phương, gia đình, dòng họ tổ chức lễ mừng thọ cho NCT. Vào những dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc thọ, tặng quà, động viên các bậc cao niên, để lại ấn tượng sâu sắc của NCT đối với Người.

2. Sáng lập tổ chức Phụ lão cứu quốc Hội, người cao tuổi là một nguồn lực quan trọng của cách mạng

Những ngày mới về nước ở Pác Bó (Cao Bằng), Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ: “Muốn làm cách mạng thành công phải có lực lượng lớn mạnh. Muốn có lực lượng lớn mạnh phải có đoàn kết. Để đoàn kết rộng rãi, các chú đến đâu cũng phải kính già, yêu trẻ”. Thấy rõ vị thế, vai trò, trách nhiệm của NCT và tổ chức Hội Người cao tuổi đối với sự nghiệp cách mạng, Người đã sáng lập, chỉ đạo và truyên truyền việc thành lập Phụ lão cứu quốc Hội ngay tại các thôn, bản, vùng căn cứ địa cách mạng.

Ngày 21/9/1945, Người viết “Thư gửi các vị phụ lão,” kêu gọi: “các vị phụ lão ở Hà Thành ra xung phong tổ chức “Phụ lão cứu quốc Hội” để các phụ lão… hùn sức giữ gìn nền độc lập của nước nhà”. Người khẳng định NCT Việt Nam có một tinh thần và chí khí đặc biệt: “Tuổi tác càng cao, lòng yêu nước càng lớn”, “Tuổi cao chí khí càng cao”. Ngày 6/6/1941, Người viết lời hiệu triệu “Kính cáo đồng bào”[6], kêu gọi các bậc phụ huynh, hiền nhân, chí sỹ, cùng toàn dân đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp, Nhật.

Tháng 6/1941, Hồ Chí Minh viết “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão”[7], Người nêu rõ: “Trách nhiệm của các cụ phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng, đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Đất nước bị mất, phụ lão cứu. Đất nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề”. “Đồng bào cả nước đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”. Người nhấn mạnh: “Xưa nay, những người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không”. Khi đề cập đến vai trò của trí thức trong sự nghiệp cách mạng, Người viết: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”. “Anh em văn hoá với trí thức là lớp tiên tri, tiên giác, càng phải quyết tâm”. “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”[8]; trong đó, có nhiều trí thức là NCT, có bề dày kinh nghiệm, nhiều công trình khoa học và đóng góp to lớn cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, NCT đã tham gia nhiều lĩnh vực, góp sức mình cùng quân dân cả nước đánh giặc, như: đào hầm bí mật, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ; cung cấp lương thực, thực phẩm cho cách mạng; che chở, giúp đỡ cán bộ nằm vùng; hoặc khi bị địch bắt, NCT đã kiên quyết bảo vệ cách mạng, nhất định không khai báo. Một số cụ già đã anh dũng hy sinh khi tuyên bố “không biết” trước sự tra khảo của kẻ thù. Ngợi ca tinh thần yêu nước của các cụ phụ lão tham gia kháng chiến cứu quốc, Năm 1947, Người viết: Thơ tặng ba cụ lão du kích ở Cao Bằng: “Tuổi cao chí khí càng cao/ Múa gươm giết giặc ào ào gió thu/ Sẵn sàng tiêu diệt quân thù/ Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng”.

Những năm, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, NCT miền Bắc đã tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên nhiều mặt trận, như: tổ bảo vệ, tổ an ninh, tổ sản xuất, tổ chăn nuôi, tổ trồng cây, tham gia lực lượng phòng không. Tiêu biểu là các cụ “Bạch đầu quân” xã Hoằng Trường, (Thanh Hoá) đã bắn rơi máy bay Mỹ. Để động viên, khuyến khích, tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng và sự đóng góp của NCT, Hồ Chí Minh đã đúc kết: "Tuổi cao chí khí càng cao, chống Mỹ - cứu nước già nào kém ai".

3. Người cao tuổi có bề dày kinh nghiệm, sáng tạo trong lao động, lưu giữ văn hóa truyền thống và là tấm gương sáng về việc thiện

Những thành tích của các cụ phụ lão trong các phong trào: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm; phong trào lạc quyên, xây dựng đời sống mới, thi đua lao động sản xuất và gương mẫu, động viên con cháu tham gia chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hồ Chí Minh đều nắm bắt và kịp thời có thư động viên, tặng Huy hiệu, tặng quà đến tận các cụ già. NCT là lớp người tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu nhất trong cuộc sống. Chính vì vậy, Người căn dặn cán bộ, chiến sỹ đi đến đâu phải ân cần, thân mật, trò chuyện và học hỏi kinh nghiệm của người già về sản xuất, phòng chống thiên tai, nắm tình hình địch và phương pháp cách mạng.

Đối với các lĩnh vực sáng tạo, văn học, nghệ thuật, bảo tồn, phát triển văn hoá dân tộc, có thể nói nhiều nghệ nhân, văn nghệ sỹ, nhà văn hóa là NCT. Người đã thường xuyên quan tâm, động viên, khuyến khích NCT phát huy, sáng tạo, lưu giữ, truyền thụ, chuyển giao cho thế hệ trẻ nối tiếp những tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Với nhiệm vụ xây dựng đất nước, Người nói: "Tuổi già nhưng chí không già/Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh". Người đã gửi thư cho giới công thương và nêu rõ: “Giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”[9].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao về những tấm gương của NCT trong sản xuất, kinh doanh; hưởng ứng “tuần lễ vàng”, quỹ Cứu quốc, các hoạt động từ thiện. Năm 1947, Người viết Thư khen bà Bá Huy: “Tôi nhận được báo cáo rằng bà đã hăng hái giúp đất ruộng, trâu bò, thóc lúa và tiền bạc để lập một an dưỡng đường cho thương binh. Tôi rất lấy làm vui sướng… Tôi cũng cảm ơn các phụ lão… ở vùng đó, đã giúp công, giúp của với bà, để lập nên an dưỡng đường”.

4. Người cao tuổi là tấm gương sáng trong giáo dục gia đình, cộng đồng và thế hệ trẻ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên khuyến khích, động viên NCT phải tự mình học tập, nâng cao dân trí, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo. Người nói: “Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời". “Chẳng những làm kiểu mẫu, siêng năng cho con cháu mà còn tỏ rõ ý chí hùng mạnh của dân tộc Việt Nam”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên đi sát cuộc sống, nắm chắc tình hình và động viên kịp thời những tấm gương sáng của NCT. Tháng 6/1956, Người viết: “Cảm động nhất, là có những cụ tuổi đã rất cao, mà xung phong đi học để khuyến khích con cháu, như bà cụ Nguyễn Thị Xuyến (100 tuổi, xã Nghi Tân, Nghệ An), cụ Lê Siêu (106 tuổi, xã Sơn Phố, Hà Tĩnh) và nhiều cụ khác”[10].

Hồ Chí Minh nêu rõ trách nhiệm của NCT là phải yêu quý, dìu dắt, bồi dưỡng lớp trẻ, phải san sẻ kinh nghiệm và làm gương cho con cháu noi theo. Người luôn tôn trọng NCT của các nước trên thế giới, Người ân cần, chân thành và có tình cảm sâu nặng, không phân biệt màu da, các giai tầng xã hội. Năm 1957, khi thăm đất nước Nam Tư, gặp một cụ già vác cuốc đi làm đồng, Người bảo lái xe dừng lại, đến gặp cụ già hỏi thăm tình hình công việc, đời sống, tặng cụ già quả táo, gói kẹo và chúc cụ mạnh khoẻ, hạnh phúc… những hình ảnh sinh động đó, đã để lại ấn tượng, tình cảm sâu sắc của người nước ngoài đối với Hồ Chí Minh.

5. Quan tâm chăm sóc, động viên và phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, vai trò người cao tuổi

Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn sâu sắc về phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc trong việc chăm sóc, thăm hỏi, động viên và khuyến khích NCT giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Ngày 19/12/1945, khi đề cập đến Chính cương của Việt Minh, Người viết: “Về xã hội, thiết lập nhà dưỡng lão… mở nhiều nhà thương, cứu tế những người thất nghiệp”. Đây là minh chứng thể hiện tư duy sâu sắc và tư tưởng của Người về chăm sóc sức khỏe đối với NCT và nhân dân ta. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Người thường xuyên nhắc nhở các tổ chức trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải ra sức động viên, giúp đỡ, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ và đảm bảo cuộc sống cho NCT. Người căn dặn: “Một người ốm yếu là cả nước ốm, yếu”. Bất cứ đến đâu, ở đâu, khi giao tiếp, Người đều ân cần hỏi thăm sức khỏe, thể hiện tình cảm ấm cúng, chân thành và có sức thuyết phục đến một cách kỳ lạ giữa Người với NCT và nhân dân.

Phát huy trí tuệ, trách nhiệm và vai trò của NCT trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngay những ngày còn ở Khuổi Nậm (Pác Bó), Người đã nói với các cụ già: “Tôi già làm cách mạnh được, các cụ cũng làm cách mạng được, làm những việc hợp với mình”, các cụ gật đầu tán thành và tham gia các hoạt động cách mạng.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về người cao tuổi, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, chiến đấu của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”. Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa”.

Văn kiện Đảng đã thể hiện tầm tư duy chiến lược, đổi mới và sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với NCT và nhấn mạnh quan điểm trước tiên là: Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, chiến đấu của NCT trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Coi trọng việc phát huy vai trò là bậc tôn trưởng trong xây dựng gia đình kiểu mẫu, là tấm gương sáng trong cộng đồng và xã hội. Nhắc nhở các tổ chức trong hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và mọi người phải đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao ý thức và thường xuyên kính trọng, bảo vệ, chăm sóc và bảo trợ, giúp đỡ NCT.

Quán triệt tinh thần các chủ trương của Đảng về NCT, Quốc hội đã ban hành Luật Người cao tuổi (2009), Chính phủ đã ban hành các Chương trình hành động về người cao tuổi. Ngày 13/10/2020 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030. Ngày 15/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về mức trợ giúp xã hội, trong đó có NCT. Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã phát động các phong trào thi đua yêu nước đến tận cơ sở và hội viên. Nhiều phong trào thi đua yêu nước có hiệu quả thiết thực, sức lan tỏa rộng lớn, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao, góp phần tôn vinh NCT trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, thấm nhuần tư tưởng của Người về người cao tuổi và tổ chức Hội Người cao tuổi, là góp phần phát huy vị trí, vai trò, trách nhiệm, sự gương mẫu và tinh thần “tuổi cao – gương sáng” của NCT. Tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp và toàn xã hội đối với NCT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; góp phần và tạo cơ hội phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, chiến đấu của người cao tuổi; bảo vệ, chăm sóc và giúp đỡ NCT trong thời kỳ mới.

-------------------------------------

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr 127

[2]. ĐCSVN, Văn kiện ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 83, 84

[3]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3 (1930-1945), Nhà xuất bản chính trị quốc gia – Sự thật – Hà Nội 2011, trang 233

[4]. HCMTT, T4 (1945 – 1946), NXBCTQG, HN 2011, tr 23

[5]. HCMTT,T8 (1955-1957), NXBCTQG, HN 1996, tr 114, 115

[6]. HCM.TT. T3 (1930-1945), Nxb CTQG, HN 1995, tr 197

[7]. HCMTT, T3 (1930 – 1945), Nxb CTQG, HN 2011, tr 232

[8]. HCMTT,T5 (1947-1948), Nxb Chính trị quốc gia, HN 2011, Tr 157

[9]. HCMTT, T4 (1945-1946), NXBCTQG, HN 2011, tr 53

[10]. HCMTT, T8 (1955-1957), Nxb Chính trị quốc gia, HN 1996, tr186

Võ Đình Liên

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2023

KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY NAM BỘ KHÁNG CHIẾN (23/9/1945 – 23/9/2023)

 NAM BỘ KHÁNG CHIẾN, SỰ TIÊN LIỆU, TIÊN TRI

CỦA ĐẢNG, BÁC HỒ


Bức tranh hào hùng, sôi động của ngày 23-9-1945 có ở ngay trong những lời chỉ đạo của Đảng, trong thư của Bác Hồ gửi đồng bào Nam Bộ. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, gìn giữ độc lập dân tộc đã để lại những trang sử hào hùng, vẻ vang. Trang đầu tiên trong những tháng năm bất khuất ấy là Ngày Nam Bộ kháng chiến.

Giở lại dòng tư liệu

Ngày 4-9-1945, tức là chỉ sau 2 ngày nhân dân ta giành được độc lập, thực dân Pháp được sự hỗ trợ của quân Anh đã liên tiếp khiêu khích, gây hấn hòng chiếm nước ta một lần nữa. Ngày 14-9-1945, tướng Gracey, trưởng phái bộ quân đồng minh ở Sài Gòn, để ra thông báo cấm nhân dân ta mang vũ khí, đi biểu tình và ra lệnh tước vũ khí lực lượng vũ trang cách mạng. Tiến thêm một bước nữa, ngày 17-9, ban hành lệnh giới nghiêm và cấm báo chí xuất bản. Ngày 19-9-1945, Cédille, được De Gaulle phong chức ủy viên Cộng hòa Pháp ở Nam Đông Dương, đã họp báo ngang ngược tuyên bố: Việt Minh không đại diện cho nhân dân Việt Nam và bất lực không giữ được trật tự. Pháp có nhiệm vụ lập lại trật tự và sẽ thành lập một chính phủ theo đường lối của De Gaulle. Quần chúng bất bình, các cuộc mít tinh biểu tình diễn ra khắp nơi, tỏ thái độ ủng hộ chính quyền cách mạng và kiên quyết chống Pháp xâm lược để bảo vệ chủ quyền dân tộc.

 Sau nhiều ngày khiêu khích, đêm 22 rạng sáng 23-9-1945, quân Pháp chiếm Sở Bưu điện, Sở Cảnh sát, trụ sở Ủy ban Hành chính Nam Bộ và Quốc gia tự vệ cuộc; mở đầu cho cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Nhưng chúng đã bị quân dân Sài Gòn, cùng Nam Bộ đứng lên chống trả quyết liệt.

Biết trước âm mưu địch


           Nhận định về ngày 23-9 ở Nam Bộ, chính các nhà nghiên cứu quân sự của Pháp đã xác nhận: Việt Minh yếu hơn về trang bị vũ khí, nhưng tinh thần của họ mạnh hơn ta gấp bội, bởi họ có ý chí quyết thắng và lường trước được diễn biến. Quả đúng như vậy, Xứ ủy và Trung ương đã biết sớm và rõ âm mưu của giặc Pháp. Ngay sau Quốc khánh 2-9, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ được thành lập. Ngày 9-9-1945, Tổng bộ Việt Minh ra lời kêu gọi ngay tại Sài Gòn: “Trong hạ tuần trước, chúng ta đã đem lại chánh quyền cho dân tộc một cách rất hòa bình và nhanh chóng. Nhưng bây giờ chúng ta sắp phải đem xương máu ra để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Bởi thực dân Pháp đang muốn xâm phạm nó.

Giặc Pháp đã động binh ở đôi tỉnh bên Lào và định vượt dãy Trường Sơn để đè ép ta một lần nữa. Song chúng đã bị quân giải phóng từ Bắc vào đánh chặn. Những vụ định đổ bộ của quân Pháp ở vào miền duyên hải đã bị đánh lui...

 Hỡi anh em, chị em đồng bào thân tín !

...Muốn tránh nỗi lầm than và cay đắng của bảy tám mươi năm qua, chúng ta hãy lột mặt nạ bọn khiêu khích..., thi hành triệt để huấn thị của chánh phủ lâm thời...”.

Ngay chiều 23-9-1945, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ phát đi lời kêu gọi “Đồng bào hãy đoàn kết để bảo vệ quốc gia; thực hiện tổng đình công và bất hợp tác với địch; phá hoại đường giao thông, phong tỏa vận chuyển, tiếp tế để bao vây địch”.

Ngày 24-9-1945, chính phủ lâm thời gửi huấn lệnh cho quân và dân Nam Bộ “Lòng quyết tâm dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân xâm lược chẳng những làm cho đồng bào cả nước khâm phục, mà lại còn chứng tỏ cho cả thế giới đều biết các quyền độc lập của nhân dân Nam Bộ...”.

Tất cả đã được trù liệu. Một không khí hừng hực, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ nền độc lập dân tộc lan rộng khắp cả nước.

“Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc”

Quyết tâm kháng chiến của Xứ ủy và nhân dân Nam Bộ được Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch tán thành. Ngày 26-9-1945, Bác Hồ đã có thư kêu gọi:

“Hỡi đồng bào Nam bộ!

 Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm. Khi còn chiến tranh với Nhật, thì bọn thực dân Pháp hoặc đầu hàng, hoặc chạy trốn. Nay vừa hết chiến tranh thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật, hoặc công khai lại mò lại. Trong 4 năm, họ đã bán nước ta hai lần. Nay họ lại muốn thống trị dân ta lần nữa.

Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt  của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”.

 Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp đỡ những chiến sĩ  và nhân dân đang hy sinh tranh đấu để giữ  vững nền độc lập của nước nhà.

Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những  dân tộc yêu chuộng bình đẳng tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta.

 Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân.

 Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng.

Tôi chỉ muốn dặn đồng bào Nam Bộ một lời: đối với những người Pháp bị bắt trong chiến tranh, ta phải canh phòng cho cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ cho khoan hồng. Phải làm cho thế giới, trước hết cho dân Pháp, biết rằng: Chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù, tư oán; làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước.

Nước Việt Nam độc lập muôn năm!

Đồng bào Nam Bộ muôn năm!”

Tôi chắc và đồng bào đều chắc – rằng, những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta; rằng, cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Theo lời kêu gọi tiên tri ấy của Bác Hồ, cả nước đã đứng lên cùng Nam Bộ chiến đấu. Liên tiếp, các đội quân Nam tiến được lệnh lên đường tiến về phía Nam đã kịp thời cùng quân và dân TP Sài Gòn - Chợ Lớn chiến đấu ở mặt trận Bình Lợi... Từ đây, bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với những trang sử hào hùng bất khuất của dân tộc.

 Hoành Trí (Cục lưu trữ Quốc gia)

+ ảnh (Phát lệnh toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, tháng 12/1946. Ảnh: Tư liệu/TTXVN)


Thứ Năm, 14 tháng 9, 2023

HỒ CHỦ TỊCH VỚI VẤN ĐỀ ĐỌC SÁCH VÀ TỰ HỌC

 HỒ CHỦ TỊCH VỚI VẤN ĐỀ ĐỌC SÁCH VÀ TỰ HỌC


Việc đọc sách nói riêng và thực hiện văn hóa đọc nói chung đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa của xã hội phát triển - văn minh - hiện đại, việc đọc sách giúp cho chúng ta tiếp nhận tri thức văn minh nhân loại, giúp cho từng cá nhân, tổ chức tự hoàn thiện mình để phù hợp với trình độ phát triển của xã hội.

 “Dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta đã sinh ra Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta ”[1]. UNESCO đã vinh danh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Người anh hùng ấy, nhà văn hóa kiệt xuất ấy trong suốt cuộc đời mình đã cần mẫn, chăm lo học tập và đặc biệt là đọc sách, báo. Chính quá trình đọc, suy ngẫm và tích tũy kiến thức từ sách vở và thực tiễn cuộc sống không những đã đem lại cho Người khối kiến thức đồ sộ, phong phú, mà còn góp phần tạo nên tư tưởng, đạo đức và phong cách con người Hồ Chí Minh.

Có thể khẳng định rằng, Người là một tấm gương trong sáng, mẫu mực về đọc và vận dụng kiến thức từ sách vở. Và chính Người đã in dấu ấn sâu đậm trong văn hóa đọc, tạo nên văn hóa đọc Hồ Chí Minh. Theo hành trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, với những sự kiện nổi bật, có thể rút ra nhiều điều để học tập Bác, làm theo Bác.

Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước. Hành trang của Người lúc đó không chỉ có đôi bàn tay lao động, mà Người còn mang theo cả truyền thống và tinh hoa văn hóa Việt Nam. Những tri thức Người có được là kết quả học tập không ngừng ngay từ gia đình, trong nhà trường, trong sách vở. Những kiến thức ấy không chỉ tạo cho Người vốn tri thức, mà ở Người còn hình thành cả chủ kiến về con đường cứu nước, cứu dân. Đó là nền tảng để Người tiếp tục học tập, tiếp thu kiến thức mới. Khi sang đến Pháp, hoạt động trong phong trào công nhân, tham gia vào Đảng Xã hội, Nguyễn Ái Quốc không những năng nổ trong các hoạt động của phong trào mà còn tranh thủ thời gian đọc các loại sách báo tiến bộ và cả những sách về lịch sử, văn hóa của Pháp và các nước phương Tây. Nhờ có kiến thức nền tảng từ văn hóa dân tộc, từ những hiểu biết về thực tiễn cuộc sống, nên khi đọc Luận cương về các vấn đề thuộc địa và dân tộc của Lê nin đăng trên báo Nhân đạo. Người nhớ lại: “Bài đó khó hiểu, vì có những từ ngữ mà tôi không biết rõ. Nhưng tôi đọc đi đọc lại và dần dần tôi hiểu ý nghĩa của nó một cách sâu sắc. Bản Luận cương làm cho tôi cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi xúc động đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang đứng trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Lựa chọn kiến thức đã đọc điều gì quan trọng nhất mà cách mạng Việt Nam cần và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đó là văn hóa đọc Hồ Chí Minh.

Không chỉ đọc sách lý luận chính trị, Người quan tâm và đọc hầu như tất cả các sách về mọi lĩnh vực của đời sống văn hóa - xã hội… Người đọc nhiều loại sách, đọc trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi bị bắt, bị tù đày. Nhà thơ Hồ Chí Minh có cả một tập thơ Nhật ký trong tù, trong đó có bài “Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi””

“Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp,

Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;

Nay ở trong thơ nên có thép,

Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.

Đọc sách, đọc thơ không chỉ cảm thụ, hiểu biết, mà ở Người còn là sự thăng hoa, có chính kiến, sáng tạo.

Có thể dẫn ra nhiều ví dụ trong văn hóa đọc Hồ Chí Minh. Nếu nói một cách ngắn gọn theo phong cách Hồ Chí Minh thì đọc cũng là một hình thức, một phương thức học. Hồ Chí Minh cho rằng học tập là một việc suốt đời. Và chính Người đã nêu tấm gương sáng về việc ngày nào cũng đọc. Khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm (vào ngày 9 tháng 12 năm 1961), Hồ Chủ tịch đã tâm sự : “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Và với Bác, nguyên lý và phương thức học được tóm gọn trong mấy câu sau: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”.

Học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thiết nghĩ cần học ngay văn hóa đọc của Người, biến việc đọc từ yêu cầu của cuộc sống trở thành nhu cầu chính đáng của mỗi người muốn cầu thị, cầu tiến bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần trở thành tấm gương sinh động về văn hóa đọc. Để từ đó văn hóa đọc lan tỏa, thấm đẫm trong mỗi tập thể, trong cộng đồng, trong mỗi cơ quan, đơn vị, tạo nên nguồn trí lực dồi dào trong sự phát triển sôi động của thành phố đầu tàu hiện nay và mai sau.

ST.

  BÁC HỒ VỚI "TẾT TRỒNG CÂY" Tết Canh Tý năm 1960, trong không khí sôi nổi mừng Đảng, mừng xuân, sáng ngày 11/01/1960, Chủ tịch ...