Thứ Hai, 29 tháng 5, 2023

KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 1/6

CỔ TÍCH VẪN CÓ TRONG ĐỜI THƯỜNG



1. Khi nghĩ đến cổ tích giữa đời thường, tôi vẫn nhớ cậu bé bị ung thư giai đoạn cuối ở trong bệnh viện nhi. Cậu ấy đã kể cho nhiều người nghe rằng, con muốn lớn lên làm chú cảnh sát giao thông. Một ngày kia, mong ước ấy đến tai các cô chú bác sĩ, đến tai các cô chú CSGT. Cậu bé bất ngờ khi một sáng mai tỉnh giấc, được mặc bộ quần áo màu cam cậu mong ước. Bộ quần áo ấy do vợ của một chú CSGT may tặng.

Và cậu được các cô chú hướng dẫn điều lệ, được tham gia hướng dẫn người tham gia giao thông “oách” như một cảnh sát thực thụ. Cái đầu trọc lóc đã rụng hết tóc, nụ cười có phần mỏi mệt sau những đợt xạ trị không thành công vẫn luôn nở trên môi cậu cảnh sát giao thông nhí… đã khiến bao người lớn rưng rưng nước mắt. 

Người lớn gọi đó là câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Người lớn nhắc nhau rằng đã lâu thật lâu rồi chúng ta không có những chuyện cổ tích đẹp như thế. Thực tình, dù lớn hay nhỏ, được nhiều người biết hay không thì hình như những câu chuyện cổ tích như vậy vẫn luôn ở đâu đó và đứa trẻ nào cũng ít nhiều gìn giữ những câu chuyện cổ cho mình.

2. Tuổi thơ tôi lớn lên trong một khu tập thể đa phần các hộ đều nghèo khó như nhau. Khó khăn đến mức có lúc con nít theo người lớn lên núi hốt lá thông, lượm cành củi khô về nhóm bếp. Nhà chỉ hai mẹ con ở với nhau, mẹ lại thường xuyên phải đi làm xa nên mới 6 tuổi tôi đã được mẹ dạy nấu bếp, và cũng chừng đó tuổi đã thành tay hốt lá thông “chuyên nghiệp”. Nhà bếp bé xíu xiu mù mịt khói thông khiến tôi luôn coi việc nấu bếp là công việc nhàn tẻ, chán ngắt. Chán tới mức chỉ cần cơm sôi cạn nước, thức ăn chín là sẽ dụi lửa tắt và tót đi chơi ngay mà không cần nghĩ gì đến gian bếp ấy nữa.

Có lần, sau trận bão, nước sông gần nhà cao cả mét. Chợ không ai buôn bán, thức ăn khan hiếm, nhà không còn gì để ăn. Lá thông trong bếp gặp nước khói bay kìn kịt, cay sè mắt. Tôi nấu cơm xong, xào thêm nồi xơ mít. Lúc đó đã chán ngán món xơ mít tận cổ và bắt đầu nghĩ đến món cá mình yêu thích. Đến buổi cơm tối về dọn cơm thì bất ngờ nồi xơ mít biến mất và thay vào đó là nồi cá nục biển kho sả thơm nức mũi. Bữa ăn đó tôi tấm tắc chuyện trò với mẹ, khỏi phải nói mừng vui cỡ nào. Hai mẹ con nghĩ mãi không ra vì sao mà nồi xơ mít lại có thể biến thành nồi cá ngon như vậy.

“Chỉ có thể là có ông Bụt. Ông Bụt mới hiểu con muốn gì. Lúc nãy con đã rất muốn có một nồi cá” – Tôi nói với mẹ như vậy và mẹ tủm tỉm cười.

Lớn lên tôi mới biết được “ông Bụt” là chú hàng xóm. Chú Ngọc vẫn thường ghé gian bếp nhà tôi khi tôi đã chạy đi chơi để kiểm tra xem tôi đã dập tắt hết lửa chưa, phòng sơ sẩy gây hỏa hoạn. Chú cũng thường mở xem thức ăn có gì. Và khi nhìn thấy món xơ mít “chủ đạo” sau ngày bão thì chú không cầm lòng đặng, đổi ngay nồi cá biển kho qua nhà tôi. Quê chú ở vùng biển nên thường có cá nục khô dự trữ trong nhà. Đôi khi hai chú cháu vô tình nhắc lại chuyện nồi xơ mít biến mất vẫn không khỏi cay mắt vì những dư vị ngọt ngào.

3. Bạn tôi kể, dạo bé gần nhà nó có một cây thị. Ba mẹ làm giáo viên đi dạy cả ngày nên khi rảnh, bạn thường ra gốc thị chơi, dơ vạt áo lên và đọc câu lục bát “thần chú”: Thị ơi thị rụng bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn.

Đọc ba hôm liền chẳng có quả thị nào rụng xuống. Có quả rụng ngay gần đó thì bị chim ăn mất một nửa. Tới hôm thứ tư thì ô hô, một bé thị xinh ơi là xinh rơi trúng phóc vạt áo. Cô bạn hí hửng nâng niu quả thị, đan cho nó một giỏ len bé xíu để cầm theo đi chơi, đặt nó lên đầu giường mỗi đêm nằm ngủ… và không quên mơ giấc mơ cô Tấm hiện ra.

Lớn lớn lên chút nữa, chú hàng xóm vẫn thường hái thị ra chợ bán kể: “Làm gì có chuyện quả thị đang phổng phao ngon lành lại rớt xuống trúng vạt áo. Đó là chú núp trong lùm cây ném xuống đấy”. Cô bé con ngày đó cũng đã lớn, cười híp mắt và vẫn nhớ không nguôi về những ngày ngọt ngào vì có một quả thị “vô tình” rơi trúng áo.

Bạn bảo vừa kể chuyện cô Tấm cho cháu gái nghe, hôm nào rảnh có khi phải “dụ” con bé ra gốc thị đọc “thần chú”, rồi núp trên đó ném quả thị xuống vạt áo để xem con bé có vui niềm vui trong veo, tin niềm tin trong veo như mình ngày nào không?

Mỗi đứa trẻ đều mơ cổ tích. Mà làm sao không mơ được, khi mà những câu chuyện ngọt ngào hơn mật ấy rồi sẽ cùng những cô nhỏ, cậu nhỏ lớn lên và mang theo suốt cuộc đời này. Mỗi năm, chúng ta có một ngày 1/6 – Quốc tế Thiếu nhi – để người lớn thể hiện lòng yêu thương bọn trẻ khắp thế giới này. Nhưng kì thực, tất cả những ngày còn lại, trẻ con vẫn luôn được xem là “tương lai”, vẫn cần được người lớn “nghe trẻ em khóc, trẻ em cười”. Và chỉ như thế, cổ tích và cuộc sống mới không quá xa xôi.

Võ Thu Hương






Thứ Hai, 22 tháng 5, 2023

 CÒN MÃI NHỮNG BÀI HỌC QUÝ TỪ BÁC HỒ

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, từ những nghệ sĩ còn rất trẻ nay đã là những nghệ sĩ tuổi U80, U90 nhưng kỷ niệm được gặp Bác Hồ là những ấn tượng sâu sắc không thể quên trong cuộc đời của nhiều nghệ sĩ. Điều rất thú vị là, không ít nghệ sĩ kể, mỗi lần được gặp Bác đều được nhận những bài học quý từ Người. Những bài học đến một cách nhẹ nhàng, tự nhiên nhưng rất sâu sắc, thấm thía.

GS. TS, nhà văn Trình Quang Phú:  Tôi giữ tinh thần học hỏi không ngừng của Người

Kỷ niệm đầu tiên của tôi với Bác là khi ra Bắc tập kết, một lần tôi nhặt được cây bút đẹp ở trường và trả cho người đánh mất. Trường báo cáo lên Bác và Bác tặng huy hiệu. Từ đó, tôi càng đọc về Bác, học tập và làm theo một cách tự nhiên chứ không phải khẩu hiệu. Một lần khác, tôi được cùng đoàn đại biểu miền Nam ăn cơm với Bác. Khi tôi xới cơm, có một cục nhỏ bằng ngón tay rơi xuống bàn. Bác liền nhặt, bỏ vào bát cơm của mình rồi nói: “Người nông dân làm được hạt gạo phải một nắng hai sương, cực lắm!”. Câu đó theo tôi suốt đời với ý thức cần kiệm. Việc trở thành nhà báo, nhà văn của tôi cũng là cách tự học một phần từ Bác.

Với những người đã kinh qua kháng chiến như chúng tôi, có nhiều bài học từ chuyện tiết kiệm thời gian, vật chất, cách ăn mặc giản dị và tinh thần học tập miệt mài suốt đời của Bác Hồ.

Trong gần 40 cuốn sách về đất nước, con người Việt Nam của tôi, mảng đề tài quan trọng mà tôi dành nhiều tâm sức, thời gian là về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là các tác phẩm Đường Bác Hồ đi cứu nước, Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng, Người là niềm tin... Do đặc thù công việc - năm 1968 đến 1970 tôi công tác ở Ủy ban Miền Nam, anh em miền Nam thường gửi yêu cầu chúng tôi gửi những gì về Bác Hồ để họ được hiểu Bác nhiều hơn. Tình cảm của đồng bào miền Nam với Bác rất sâu sắc. Đó chính là động lực để tôi viết lại những truyện ký đầu tiên: “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng”, đến nay, cuốn sách đã tái bản hơn 20 lần vẫn được độc giả đón nhận vì tình cảm nhiều thế hệ dành cho Bác.

Bác có rất nhiều câu chuyện mà ngoài việc được gặp trực tiếp, được nghe nhân vật kể lại đều khiến tôi xúc động. Ví dụ như chuyện nữ du kích Quảng Nam Huỳnh Thị Kiển - người bị giặc bắt, chặt chân vẫn giữ tấm lòng kiên trung kể lại kỷ niệm ngày gặp Bác: "Thưa Bác, cháu cũng như nhiều bạn cháu ở miền Nam luôn nghĩ rằng: Trong chiến đấu dù bị cụt hết tay chân mà còn đôi mắt sáng để đến ngày chiến thắng, được nhìn thấy Bác thì không bao giờ buồn. Hôm nay, cháu được gặp Bác, cháu chỉ biết vui suốt đời". Nghe cô Kiển nói đến câu đó, mắt Bác chớp nhanh. Giọt nước mắt lăn trên đôi gò má Bác.

Cô du kích ấy về sau được qua Hungari lắp chân giả, tập đi lại những bước thăng bằng, cảm nhận được tình thương của Bác trong những bước chân: "Biết rằng từng bước đi của tôi có tình thương và sức mạnh của Bác. Tôi nguyện sẽ đi nhanh hơn có thể trở về đội ngũ"…

Cho đến giờ, sau rất nhiều năm, tôi vẫn giữ những kỷ niệm đẹp về Bác, vẫn giữ tinh thần học hỏi không ngừng của Người.

NSND Trà Giang: Học Bác, tôi giữ cốt cách người Việt Nam

Cho đến bây giờ, dù đã rất nhiều lần chia sẻ về Bác, kể đi kể lại những lần gặp Bác nhưng tôi vẫn luôn thấy ấm áp và rất vui khi được chia sẻ hạnh phúc mà cuộc đời mình may mắn có được. Và những lần gặp Bác, những lời dạy của Bác vẫn luôn ghi khắc trong tôi.


Khi Bác đến thăm trường Điện ảnh, nơi chúng tôi đang học, Bác hỏi thăm: “Các cháu học về diễn viên điện ảnh thì học cái gì?”. Chúng tôi trả lời: “Chúng cháu được học diễn xuất, học văn học, học vũ, học hát”. Bác nhắc ngay: “Phải nói là học múa mới đúng từ Việt Nam, còn học vũ là chữ Hán”. Sau này, trên đường đời cũng như đường nghề, tôi vẫn ghi nhớ bài học này, mình là người Việt phả gìn giữ những cốt cách của chính mình…

Năm 20 tuổi, tôi có kỷ niệm ấn tượng của đời mình một cách rất bất ngờ. Khi ấy, tôi là đại biểu nhỏ tuổi nhất của Đại hội văn nghệ toàn quốc năm 1962. Khoảnh khắc chú Bảo Định Giang nói rằng tôi sẽ được tặng hoa cho Bác Hồ với tư cách là đại biểu trẻ tuổi nhất, tôi vô cùng xúc động vì không nghĩ rằng mình lại có vinh dự lớn như vậy. Tôi đứng trong cánh gà, chân run không bước được. Lúc này tôi rất sung sướng, rất hạnh phúc. Họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng là đại diện tặng hoa cho Bác vì ông nhiều tuổi nhất. Khi có một đồng chí giới thiệu “người trẻ nhất và người già nhất”, Bác ngăn ngay: “Phải nói là nghệ sĩ lớn tuổi nhất”. Bác tôn trọng người đối dện, kỹ từng lời ăn tiếng nói. Bức ảnh “Nụ cười của cô gái nhỏ miền Nam trong vòng tay Bác” vẫn được gia đình tôi gìn giữ như một kỷ vật quý giá. Nhiều lần, tôi bắt gặp hình bức hình ấy ở những đơn vị, cơ quan văn hóa nghệ thuật lại có cảm giác xúc động. Tại Đại hội ấy, Bác nói rằng văn nghệ sĩ chúng tôi là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa – câu nói nổi tiếng, lời dạy ấy của bác đã theo tôi suốt cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật.

Năm 1963, tôi lại vinh dự được gặp Bác Hồ khi tôi được cùng đoàn làm phim “Chị Tư Hậu” vào chiếu cho Bác xem sau khi phim gặt giải vàng quốc tế. Tôi kể cho Bác nghe khi tôi đi dự LHP tại Mátxcơva, diễn viên các nước mặc rất nhiều quần áo đẹp, còn tôi thì tự ti vì chỉ có vài bộ áo dài. Bác ân cần bảo tôi rằng Bác thấy áo dài đẹp lắm, áo dài Việt Nam rất đẹp. Từ đó về sau, trong mỗi chuyến đi nước ngoài hay những lần gặp gỡ thì tôi luôn mặc áo dài. Tôi cảm thấy áo dài Việt Nam mình vừa giản dị, vừa khiêm tốn nhưng cũng rất sang trọng. Sự gần gũi, giản dị của Bác khiến tôi có cảm nhận Bác không chỉ là một nhà lãnh tụ mà như một người cha, người ông trong gia đình. Người để cho cháu con những bài học lớn từ những điều tưởng như rất bé nhỏ, chân tình.

Đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng: Sự chân thành đáng quý



Khi ở chiến khu Việt Bắc mùa đông, tôi và nhiều đồng đội nữ thường tranh thủ ngủ muộn quá giờ kẻng báo thức vì mùa đông Việt Bắc rất lạnh mà chị em lại đang tuổi trẻ, có phần ham ngủ. Một lần Bác Hồ đi thị sát đời sống cán bộ vào sáng sớm, tôi nghe anh bảo vệ nhắn Bác đến, liền vội vàng vùng dậy réo gọi chị em: “Bác Hồ đến rồi, tập hợp nhanh lên”. Thế nhưng, Bác Hồ đã đứng sau lưng, cất giọng: “Trễ rồi, các cô gái ơi!”. Lúc ấy, chúng tôi không chỉ xấu hổ vì chuyện ngủ dậy trễ hơn Bác, không tiếp đón chu đáo Người mà còn xấu hổ khi nhìn ánh mắt Bác tỏ ý không hài lòng trước những cô gái trẻ nhưng không gian sống khá bừa bộn. Bác không trách gì nhưng từ đó, không ai bảo ai, chúng tôi rất có ý thức tự giác dọn dẹp nơi ăn chỗ ở của mình gọn gang, sạch sẽ, và dĩ nhiên không còn ngủ nướng.

Khi hòa bình lập lại ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tôi nhiều lần dẫn các đoàn làm phim nước ngoài đến quay phim về hoạt động của Bác Hồ. Ngày đoàn làm phim “Chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh” của Pháp tác nghiệp là lúc Bác đang tiếp các dũng sĩ diệt Mỹ ở miền Nam ra thăm. Bác ăn mặc rất giản dị, trên đầu đội mũ, ghi hình sẽ không đẹp vì ở một số góc máy sẽ bị che bớt mặt. Chúng tôi đề nghị ông Vũ Kỳ là thư ký của Bác Hồ giúp đỡ, nhưng ông Vũ Kỳ không dám. Để có được những thước phim đẹp, tôi đành phải “liều mình” đến bên cạnh Bác, nhỏ nhẹ: “Xin Bác bỏ cái mũ ra để quay phim!”. Bác Hồ hỏi luôn: “Cái mũ của Bác không đẹp à?”. Tôi giật mình vì sợ Bác giận nhưng nghĩ sao nói vậy, liền đáp: “Thưa Bác, cái mũ của Bác rất đẹp, nhưng tóc của Bác còn đẹp hơn!”. Bác Hồ bật cười: “Cô này khá lắm!”. Và lấy cái mũ của mình đội sang đầu tôi. Gương mặt và nụ cười Bác ở một khoảng cách rất gần khiến tôi nhớ mãi. Tất cả chúng tôi cùng bật cười vì sự giản dị, đáng yêu của Bác, riêng tôi còn thở phào vì bất ngờ xử lí được tình huống khó khăn chỉ bằng sự chân thành. Đó cũng là bài học để sau này tôi làm gì cũng nghĩ đến và rút kinh nghiệm.

 

Võ Thu Hương (thực hiện)

+ ảnh (Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang gặp Bác)

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2023

KỶ NIỆM 133 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2023)

 

TIỂU SỬ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

(1890 - 1969)

          Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc), sinh ngày 19/5/1890 ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và mất ngày 2/9/1969 tại Hà Nội.

Người sinh ra trong một gia đình bố là một nhà nho yêu nước, nguồn gốc nông dân; mẹ là nông dân; chị và anh trai đều tham gia chống Pháp và bị tù đày.

Ngày 3/6/1911, Người ra nước ngoài, làm nhiều nghề, tham gia cuộc vận động cách mạng của nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa.

 



Năm 1920, Người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội Tua. Năm 1921, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp; xuất bản tờ báo Người cùng khổ ở Pháp năm 1922.


           Năm 1923, Người được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là Ủy viên thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam. Năm 1925, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Châu Á, xuất bản hai cuốn sách nổi tiếng: Bản án chế độ thực dân Pháp (năm 1925) và Đường cách mệnh (năm 1927).

Năm 1925, Người thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí H ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức “Cộng sản đoàn” làm nòng cốt cho Hội đó, đào tạo cán bộ Cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam.


           Ngày 3/2/1930, Người chủ tọa Hội nghị thành lập Đảng họp tại Cửu Long (gần Hương Cảng). Hội nghị đã thông qua Chính cương vắng tắt, Sách lược vắn tắc, Điều lệ Đảng do chính Người soạn thảo. Người ra lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đổi thành Đảng Cộng Sản Đông Dương, rồi Đảng Lao động Việt Nam và nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).


            Từ năm 1930 đến năm 1940, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác trong những điều kiện vô cùng gian khổ và khó khăn.

Năm 1941, Người về nước, triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông dương, quyết định đường lối cứu nước, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội (Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, chính sách căn cứ địa, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần và chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.



Sau Cách mạng Tháng tám (năm 1945) thắng lợi, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hóa; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khó I đã bầu Người làm Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hóa (năm 1946).

Cùng với Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam phá tan âm mưu của đế quốc, giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng.




Ngày 19/12/1946, Người kêu gọi cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ và phát triển những thành quả của Cách mạng Tháng Tám.

Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (năm 1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng lợi to lớn, kết thúc bằng chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ (năm 1954).

Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (năm 1955), Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.



Đại hội lần thứ II của Đảng (năm 1960) đã nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

          Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; lãnh đạo sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đề ra đường lối đúng đắn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người sáng lập ra Đảng Mácxít - Lêninnít ở Việt Nam, sáng lập ra Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, sáng lập ra lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, góp phần tăng cường đoàn kết quốc tế. Người là tấm gương sáng của tinh thần tập thể, ý thức tổ chức và đạo đức cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc.

(Nguồn: Chính phủ Việt Nam 1945 – 1998, NXB, Chính trị Quốc gia, 1999)

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2023

KỶ NIỆM 133 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2023)

THÁNG NĂM NHỚ BÁC

Cứ đến ngày 19/5, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào, chiến sĩ ai cũng muốn có một món quà kính tặng Người. Nhưng với Bác Hồ, Người từng nói: “Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích thi đua ái quốc” và chính vì thế, mỗi dịp sinh nhật Bác là một lần chúng ta lại thấy sáng ngời đức tính giản dị, khiêm nhường của con người vĩ đại ấy.




 

Từ năm 1946 đến nay, nhân dân ta có thêm một ngày kỷ niệm trọng đại - Ngày 19 tháng Năm - sinh nhật Bác Hồ.

Đó không phải là lễ nghi “văn hóa sinh nhật”, cũng không có nghĩa sùng bái trong “văn hóa chúc thọ”; chỉ thuần là thói quen, nếp đạo lý của dân tộc mà thôi. Ngày ấy, nhân dân một nước tự do độc lập, sống những giờ phút đặc biệt trong tâm trạng vui tươi, phấn khởi, tự hào, với tấm lòng tràn ngập tình yêu thương kính trọng Bác Hồ.

Trong 24 năm làm Chủ tịch nước (2/9/1945-2/9/1969), Bác Hồ có 2 lần sinh nhật đặc biệt - là lần đầu tiên của cuộc đời lãnh tụ (19/5/1946) và lần cuối cùng khi Người “Vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay” (19/5/1969).

Lần đầu tiên là ngày 19/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tổ chức sinh nhật nhưng lại để làm nguyên cớ cho đấu tranh ngoại giao.

Khi đó, Người tự tổ chức buổi sinh nhật trong tư thế Nguyên thủ quốc gia độc lập có chủ quyền, tiếp đón Cao ủy Pháp tại Đông Dương D’Argenlieu, nhân vật đang mưu toan ngăn chặn chuyến đi của Hồ Chủ tịch - vị Thượng khách của nước Pháp.

Sinh nhật tuổi 56 lúc ấy, như Bác nói với đồng bào: “Chưa có gì đáng chúc thọ” nhưng đối với kẻ thù đang đe dọa nền tự do độc lập vừa giành lại được, đây lại là cái cớ Người buộc D’Argenlieu phải đến để đối thoại với hy vọng: “Cuộc bang giao Việt Pháp chắc chắn sẽ có bước phát triển mới”.

Cũng nhân việc “các nhà báo ở đây đã làm to ngày sinh nhật của tôi”, Bác có dịp tốt tiếp xúc với nhân dân, tự vệ, hướng đạo, đại biểu Nam Bộ, với các giới, các cháu thiếu nhi đến chúc mừng; Bác tặng các đại biểu thiếu nhi cây bách tán và mong: “Cái cây sẽ mọc ra một chậu trăm cái tán. Các cháu chăm nom cho cây lớn, cây tốt''. Bác cũng kết hợp nói chuyện, giáo dục nếp sống mới và cần kiệm liêm chính.

Ngày kỷ niệm sinh nhật Bác 19/5/1946 trở thành ngày gặp mặt đoàn kết, biểu thị tình cảm và sức mạnh khối đoàn kết toàn dân xung quanh Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, một quá trình đấu tranh cách mạng và kháng chiến của đất nước được mở ra; cũng đồng thời có một “tiền lệ mới” được đặt ra như một nếp đạo lý của dân tộc: Mừng sinh nhật Bác Hồ.

Thực ra Bác chỉ muốn và đã có một ngày sinh nhật chung, như trong thư ngày 19/5/1948 gửi Quốc hội và Chính phủ, các đoàn thể, bộ đội, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài, Người viết: “Tôi và toàn thể đồng bào có một ngày sinh nhật chung: Ấy là ngày cách mạng giải phóng thành công tháng Tám năm 1945”.

Khi phải tạo ra sinh nhật riêng như một tiền lệ, Bác luôn thấy “trong lúc toàn dân ta đang kháng chiến gian khổ, mọi công việc hết sức khẩn trương mà lại tổ chức chúc thọ một cá nhân là không nên” (Chờ cho kháng chiến thành công đã/Bạn hãy ăn mừng sinh nhật ta). Vì vậy Người đã sử dụng ngày kỷ niệm cá nhân theo phong cách khác biệt.

Những năm Chính phủ và Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, kỷ niệm sinh nhật Bác vô cùng đơn giản nhưng đầm ấm với những lời chúc mừng của đồng bào, đồng chí và những bó hoa rừng của những người phục vụ. Bác rất xúc động và thường dành lúc này để nói về những việc phải làm, về những tấm gương trung thành với Đảng và sự nghiệp kháng chiến.

Có lần (năm 1948) Bác rơm rớm nước mắt đề nghị dành bó hoa mừng sinh nhật để viếng mộ người phục vụ nấu ăn cho Bác vừa mới qua đời vì căn bệnh sốt rét ác tính.

Rồi cũng nhân dịp sinh nhật lần thứ 60 (năm 1950), Bác đã truyền lửa cho cán bộ chiến sĩ, đồng bào niềm tin yêu lạc quan hăng say làm việc:

“Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán/So với ông Bành vẫn thiếu niên/Ăn khoẻ, ngủ khoẻ, làm việc khoẻ/Trần gian như thế kém gì tiên”.

Những năm đất nước bị chia cắt, Bác căn dặn các địa phương, các cơ quan đoàn thể không nên tổ chức chúc thọ linh đình, làm tốn thời giờ, tiền của, trong khi đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.

Người lý giải: “Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào… Việc nước là lớn, không ai có thể làm một mình nổi. Tôi mong rằng ngày này năm sau các đồng bào sẽ làm cho nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cường thịnh hơn".

Để tránh những nghi lễ vào dịp sinh nhật của mình, Bác không ở Hà Nội mà về thăm nhân dân các địa phương nhưng Bác dặn trước các địa phương không được tổ chức lễ kỷ niệm, không tổ chức chiêu đãi linh đình…

Bác có thói quen dịp sinh nhật hay làm thơ nói về tuổi tác với tình cảm, trách nhiệm của Người đối với non sông đất nước và đồng bào, đồng chí; sau ngày 19/5,  Người viết thư, gửi điện cảm ơn đồng bào, đồng chí, cơ quan, đoàn thể ở trong nước và bầu bạn quốc tế đã dành cho Bác những tình cảm tốt đẹp, thân thiết và nhất là những món quà ý nghĩa về thành tích mới trong lao động sản xuất.

Quà sinh nhật đối với Bác rất quý vì đó là tấm lòng người dân. Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Cứu Quốc dịp sinh nhật năm 1949, Người nói: “Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích thi đua ái quốc”. Bác nhắc: “Mừng sinh nhật tôi, đồng bào cho tôi nhiều hoa, bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi”. Bác dặn chuyển những lẵng hoa đẹp, các loại quà mà các nơi gửi đến biếu Bác để tặng các đơn vị bộ đội, công an, thanh niên xung phong, các nhà trẻ.

Lần sinh nhật năm 1969, giữa lúc chiến tranh lan ra cả nước còn đang ác liệt. Thư ký riêng của Bác, ông Vũ Kỳ kể lại: Bác đề nghị không tổ chức sinh nhật vì “Đồng bào ta, nhất là đồng bào miền Nam đang chiến đấu gian lao, hy sinh như thế, Bác không có lòng dạ nào hưởng niềm vui riêng”. Bác không đồng ý về việc đưa ngày 19/5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm 1970 và yêu cầu “tiền bạc dùng để tuyên truyền ngày sinh của Bác… nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, chớ lãng phí”. Trước lời xin phép của Trung ương, nghĩ đến miền Nam và bạn bè quốc tế, Bác miễn cưỡng đồng ý tổ chức sinh nhật và giục: “Thôi, nếu vậy thì các chú làm thật nhanh cho Bác. Đừng kéo dài, đừng bày vẽ tốn kém. Chỉ cho Bác mấy bông hoa là được rồi. Chỉ 5 bông hồng đỏ thôi”.

Ngày 19/5/1969 như bao lần trước, Người tiếp khách và mời: “Các chú uống nước, ăn bánh kẹo và chúc thọ Bác đi. Nhớ lấy phần về cho các thím và các cháu”…

Vẫn nếp quen 9h sáng đúng ngày sinh của mình, Bác xem lại và chỉnh sửa, bổ sung bản Di chúc. Vẫn bình thường trong ngày sinh của mình, Bác tiếp khách đến chúc thọ, gửi tặng tỉnh Nghệ An, Nhà máy Xi măng Hải Phòng tấm ảnh chân dung có ghi phía dưới lời nhắc nhở: “Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi công tác, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”; viết thư cho các cháu thiếu niên HTX Măng non thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Sau đó Bác gửi điện cảm ơn Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam; điện cảm ơn Chủ tịch Trịnh Đình Thảo và Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam; thư cảm ơn chung Quốc hội, Chính phủ, Trung ương Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, các lãnh đạo, chính phủ và nhân dân các nước anh em, bạn bè quốc tế.

Sinh thời, “Bác sống như trời đất của ta”, tháng Năm là tháng phát động phong trào thi đua lập thành tích mừng sinh nhật Bác. Nhân dân ở hậu phương ra sức sản xuất và chiến đấu, phục vụ chiến đấu để Bác vui khỏe đến ngày hòa bình thống nhất Tổ quốc; nhân dân ở tiền tuyến ra sức đánh giỏi, thắng lớn để giải phóng miền Nam được “Rước Bác vào thăm thấy Bác cười”.

Khi Người “Vào cuộc trường sinh, nhẹ cánh bay”, đất nước mừng thọ Bác mà ngỡ“Chắc như thường lệ. Người đi vắng”; Chính phủ tổ chức ngày sinh của Bác luôn chú ý làm theo ý Bác về tiết kiệm, thiết thực. Trong lòng mỗi người dân Việt Nam bâng khuâng nhớ Bác Hồ kính yêu - Người sống trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, hy sinh tất cả vì nước vì dân, là tấm gương trong sạch, thanh cao về đạo đức.

Suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, nhận trọng trách do nhân dân tín nhiệm, ủy thác, Người không bao giờ coi mình là lãnh tụ mà chỉ như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trận, suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân. Nhân cách, đạo đức, sự cao thượng ấy mãi mãi làm cho Bác Hồ trở nên cao đẹp, tấm gương mẫu mực về đạo đức làm người cao đẹp nhất. Mỗi người dân Việt Nam đều chung một tình cảm: Bác Hồ vẫn đang sống cùng non sông, đất nước, vẫn luôn thấy “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” trong tất cả các thời kỳ lịch sử, trong bất cứ thắng lợi nào của đất nước và dân tộc.

Khi ta soi chung tấm gương lớn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hãy nhớ lời Bác: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Vì lợi nước, quên lợi nhà”; thiết thực kỷ niệm sinh nhật Bác là học những bài học quý giá từ Bác, làm theo những việc làm giản dị, khiêm tốn, thể hiện đúng bản chất của người “công bộc”, người “đầy tớ” của nhân dân!

Hà Minh Hồng

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ


Thứ Năm, 4 tháng 5, 2023

KỶ NIỆM 48 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 – 30/4/2023)

 

LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM 30/4/1975 THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

 

Chiến thắng 30/4 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. 

 


Lịch sử của ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4.

 Vào cuối năm 1974 – đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh. 

 Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế-Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Rang, đây là những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông.

 Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

 Đại thắng mùa xuân 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, cả nước cùng tiến lên CNXH. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi ở những năm 70 của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc.

  Ý nghĩa của Chiến thắng lịch sử 30/4

 Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.

 Ngày nay, trong công cuộc đổi mới của đất nước, chúng ta mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông ta đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam, vào tinh thần quật cường bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của dân tộc ta, của quân đội ta. Mỗi người dân Việt Nam nguyện tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.

PV.

  BÁC HỒ VỚI "TẾT TRỒNG CÂY" Tết Canh Tý năm 1960, trong không khí sôi nổi mừng Đảng, mừng xuân, sáng ngày 11/01/1960, Chủ tịch ...