Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY THỂ THAO VIỆT NAM (27/3/1946 – 27/3/2023)

BÁC HỒ VỚI NGÀNH THỂ DỤC THỂ THAO VIỆT NAM



 



Bác Hồ là hiện thân cao đẹp của ý chí chiến đấu, tinh thần hy sinh vì sự nghiệp độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc; vì hạnh phúc của nhân dân. Với tầm nhìn sâu rộng và toàn diện, từ rất sớm Người đã quan tâm sâu sắc tới sự nghiệp phát triển văn hoá giáo dục, y tế, thể dục thể thao và khẳng định đó là những thể hiện sinh động cho bộ mặt của đất nước, trình độ văn minh của một quốc gia và tính ưu Việt của một chế độ xã hội.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, nhưng dân tộc ta, Đảng ta đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách: Giặc ngoài thù trong cùng với giặc đói, giặc dốt, giặc lụt đe dọa chính quyền cách mạng non trẻ. Giữa lúc công việc bộn bề, nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết, nhưng chỉ gần 5 tháng sau Lễ Tuyên ngôn độc lập, ngày 30 tháng Giêng năm 1946, Người ký Sắc lệnh số 14 về việc lập Nha Thể dục Trung ương trực thuộc Bộ Thanh niên. Sắc lệnh qui định Nha Thể dục Trung ương có nhiệm vụ cùng Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc. Bộ Thanh niên sẽ ấn định những việc về tổ chức và ngân sách của Nha Thể dục Trung ương[1]. Sau đó ít ngày, Trường Thể dục đã ra đời và đặt cơ sở tại căn nhà ở đường Cột Cờ (Hà Nội) - nơi trước đó là một khu trại học tập của sĩ quan Pháp. Đây là sự kiện, là dấu mốc khai sinh Ngành Thể dục thể thao cách mạng Việt Nam. Tiếp đó, ngày 27 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 về việc lập Nha Thanh niên và Thể dục trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục với cơ cấu gồm Phòng Thanh niên và Phòng Thể dục Trung ương[2]. Cũng trong ngày ký Sắc lệnh 38, Người viết bài Sức khoẻ và thể dục đăng trên báo Cứu quốc - Đây là lời kêu gọi đầu tiên toàn dân tập thể dục của Người dưới chế độ mới. Tối ngày 26 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Đại hội Thanh niên Hà Nội. Tại đây, Lễ hội thanh niên vận động đã được phát động và Ban Tổ chức đã mời Người châm ngọn lửa phát động phong trào Khỏe vì nước. Từ Hà Nội, phong trào này đã lan tỏa ra cả nước. Nhớ lại những sự kiện trên đây, chúng ta có thể khẳng định, Bác Hồ, không chỉ là người khai sinh ra ngành Thể dục thể thao cách mạng Việt Nam, mà còn là người khởi xướng phong trào thể dục quần chúng với khẩu hiệu cách mạng Khỏe vì nước.

Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải lo chỉ đạo những công việc hệ trọng của Đảng và đất nước, nhưng Người vẫn dành cho Ngành Thể dục Thể thao sự quan tâm sâu sắc, sự chỉ đạo sâu sát và cụ thể. Người không phải là một nhà chuyên môn về thể dục thể thao, một chuyên gia hay huấn luyện viên một môn thể thao cụ thể, vì vậy, những quan điểm chỉ đạo của Người là ở tầm vĩ mô, vừa có tính chính trị nhân văn sâu sắc, vừa có tính định hướng cụ thể, đồng thời bản thân Người là tấm gương sáng về tập luyện thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe để phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân. Đó là những cảm nhận của chúng tôi và chắc là nhiều người trong chúng ta cũng có những suy nghĩ và cảm nhận như thế. Xin phép được trình bày đôi điều cảm nhận ấy:

“Dân cường thì quốc thịnh” phải có sức khỏe để phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân.

Ông cha ta thường nói “Nhân sinh vô bệnh thị chân tiên” - nghĩa là trong cuộc sống, con người không bệnh tật là sướng như tiên. Đó là nói về sức khỏe và tuổi thọ của mỗi người; không bệnh tật thì trường sinh bất lão. Muốn vậy mỗi người phải rèn luyện sức khỏe. Có lẽ vì thế mà khi viết bài Nhân thân phú, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã khuyên:

“Thất thương giới, nhi vinh vệ hòa sướng

Ngũ tổn phòng, nhi chi thể an thư.

Bảo toàn thiên hòa hề, hà bệnh chi hữu.

Tiêu dao thọ cảnh hề, kỳ lạc chi thư…”

Hiểu một cách đại thể, danh y dạy rằng: Muốn ít bệnh tật phải siêng năng rèn luyện mới thích nghi, mới chống chọi được những biến đổi của khí hậu tự nhiên với những thương tổn lớn trong người. Thế mới được “Tiêu dao cảnh thọ” - vui biết nhường nào. Chắc cũng vì thế mà Bác Hồ tự ngẫm:

“… Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe

       Trần mà như thế kém chi tiên”

Đó là nói về sức khỏe, thể dục thể thao với rèn luyện sức khỏe của mỗi người ở Hồ Chí Minh, vấn đề thể dục thể thao và rèn luyện sức khỏe thể hiện tính nhân văn, nhưng cao hơn, ở tầm vĩ mô: Khỏe vì nước, khỏe để phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Rèn luyện sức khỏe là yêu nước, là trách nhiệm của người yêu nước. Đó là quan điểm chính trị, cách mạng. Trong Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục, Người đã thể hiện rõ quan điểm này. Người viết: “Giữ gìn dân chủ mới; xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe.

Vậy rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của một người yêu nước… Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục”[3].

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của thể dục thể thao như Người đã khẳng định nên Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến công tác tổ chức, xây dựng cơ quan quản lý, điều hành công tác thể dục thể thao và coi đây là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, của các ngành có liên quan và của toàn dân. Ngay trong những ngày khói lửa của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vẫn có sự quan tâm sâu sắc tới lĩnh vực quan trọng này. Tại Thủ đô kháng chiến Việt Bắc, Ngành Thể dục Thể thao các hoạt động thể dục thể thao vẫn được duy trì. Hồ Chí Minh vẫn luyện tập thường xuyên đồng thời rất quan tâm đến việc rèn luyện sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ. Người từng là “huấn luyện viên” hướng dẫn một số thành viên Chính phủ, cán bộ cơ quan Chính phủ, đoàn thể tập nhu quyền, thể dục dưỡng sinh, làm mẫu cho cán bộ, chiến sĩ một số đơn vị quân đội tập thể dục hoặc võ thuật. Những lúc có điều kiện cho phép, Hồ Chí Minh rất khuyến khích cán bộ các cơ quan Chính phủ, đoàn thể, các đơn vị bộ đội tổ chức tập luyện và giao lưu biểu diễn võ thuật, thi đấu bóng chuyền.

Đối với thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở, muốn làm chủ nhân tương lai của đất nước phải rèn luyện đạo đức cách mạng; học tập văn hóa, kỹ thuật chuyên môn, đồng thời phải rèn luyện sức khỏe và thể chất, “có khỏe mạnh mới đủ sức để tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ vào những công việc ích nước lợi dân”[4]. Từ năm 1958, Người đã chỉ đạo Ủy ban Thể dục Thể thao Trung ương phát động phong trào Thể dục, vệ sinh trong học sinh, sinh viên toàn miền Bắc. Để rèn luyện sức khỏe, sẵn sàng tham gia cách mạng, Người đã chỉ đạo việc tổ chức phong trào tập luyện 5 môn thể thao vũ trang kết hợp chạy, nhảy, bơi, bắn, võ với khẩu hiệu Khỏe để sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Phong trào thi đua rèn luyện trong các lực lượng vũ trang Vai trăm cân, chân ngàn dặm sẵn sàng vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu đã có sự quan tâm sâu sắc của Người, Đảng và Nhà nước và lãnh đạo lực lượng vũ trang. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khắp các địa phương trên miền Bắc các hoạt động thể dục thể thao vẫn được duy trì thường xuyên. Khẩu hiệu Khỏe để lao động, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã trở thành nếp sống, đi vào cuộc sống sinh hoạt của đông đảo các tầng lớp nhân dân ngay cả trong những ngày ác liệt của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và tay sai.

Thể dục thể thao cách mạng muốn phát triển lành mạnh, đúng hướng đòi hỏi phải có cơ quan quản lý tổ chức chuyên môn, có hệ thống các trường đào tạo, có đội ngũ cán bộ giáo viên, huấn luyện viên giỏi. Đây là điều mà lúc sinh thời Bác Hồ rất quan tâm. Những Sắc lệnh Người ký từ những ngày cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đã đặt những nền móng đầu tiên cho công việc quan trọng này.

Sau khi miền Bắc được giải phóng, năm 1957 Nha Thể dục Thể thao Trung ương đổi tên là Ban Thể dục Thể thao Trung ương và sau đó, năm 1960 đổi tên là Ủy ban Thể dục Thể thao là cơ quan quản lý ngành thuộc Chính phủ.

Về hệ thống các trường thuộc ngành, Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh hiện nay rất tự hào về truyền thống hơn 50 lịch sử. Đây là một trung tâm đầu tiên đào tạo cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên của thể dục thể thao cách mạng Việt Nam [5]. Nói xa hơn, có thể truyền thống của trường còn từ ngày trường Thể dục Thể thao ra đời (1-1946) với cơ sở là Khu học tập của sĩ quan Pháp ở đường Cột Cờ Hà Nội; mà 15 giờ ngày 10-11-1946, buổi lễ Thanh niên quốc tế tổ chức tại Quảng trường Nhà hát lớn Thành phố, do Trường tổ chức, Bác đến thăm và căn dặn, trong thanh niên còn nhiều người rất yếu ớt, cán bộ, học sinh của Trường Thể dục phải làm cho toàn thể đồng bào cùng khỏe,  phải phổ thông hóa, đại chúng hóa, dân chủ hóa thể dục. Bác còn nói rõ: “Các học sinh đã tập luyện công phu và sức đã khỏe. Hiện tại ở nông thôn cũng như thành thị còn rất nhiều đồng bào yếu ớt. Mang danh cán bộ thể dục thể thao, các học sinh có bổn phận tổ chức cho đồng bào cùng tập luyện. Có như vậy công phu tập luyện của các em mới hữu ích”[6].

Trong truyền thống lịch sử, Trường có một sự kiện lịch sử là ngày 14 tháng 12 năm 1961 được đón Bác Hồ tới thăm. Khi đó, Trường còn có tên gọi là Trường Trung cấp Thể dục Thể thao Trung ương. Sự kiện này không chỉ lả lịch sử truyền thống của Trường, mà còn thể hiện sự quan tâm của Bác, của Đảng và Nhà nước đối với Ngành Thể dục Thể thao cách mạng Việt Nam. Bác đã nói chuyện với thầy và trò nhà trường; thăm và nói chuyện với các chuyên gia Liên Xô đang công tác tại đây. Đến thăm các học viên lớp kiếm, Người đã chỉnh sửa các em các động tác cầm kiếm vả thế kiếm. Đó là một kỷ niệm và truyền thống vinh dự của trường.

Bác Hồ tấm gương tự rèn luyện sức khỏe và thể dục thể thao



Với lời kêu gọi: “Tôi mong rằng đồng bào ai cũng cố gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập” và điều này đã thành nếp sinh hoạt của Người.

Chúng ta được biết, sau ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài, tháng 1 năm 1941, Bác Hồ trở về hoạt động trong nước và ở tại hang Pắc Pó (Cao Bằng). Công việc được Người chú trọng là chuẩn bị những điều kiện để rèn luyện sức khỏe, cho dù là giản đơn, đó là đắp một nền đất để tập thể dục buổi sáng. Tháng 9 năm 1943, vừa ra khỏi nhà tù Quốc dân Đảng Trung Hoa Người đã tập leo núi để rèn luyện khiến Trương Phát Khuê - viên tướng Tư lệnh Đệ Tứ chiến khu của Tưởng Giới Thạch phải trầm trồ “Kính phục! kính phục!”. Ở tuổi 60, Người vẫn có thể đi bộ 50, 60km một ngày. Năm 1958, trong dịp sang thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Ấn Độ, Người vẫn leo 379 bậc cầu thang khi đến thăm tháp Cutapmina cao 73 mét và vẫy hoa chào các bạn Ấn Độ và ngắm nhìn Thủ đô Niu Đêli. Những bức ảnh ghi lại các hoạt động tập luyện nhu quyền, dưỡng sinh, đánh bóng chuyền, bơi lội khiến chúng ta càng cảm động và khâm phục sự rèn luyện của Người.

Trong những ngày đồng bào và chiến sĩ miền Nam tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968), Người đề nghị Bộ Chính trị bố trí Người đi thăm động viên đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Và Người đã tập luyện để chuẩn bị thực hiện. Đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác cho biết: “Hồi đó, mỗi ngày Bác tập hành quân từ 5 đến 10km, có hôm tăng lên 20km đường rừng, băng đèo, vượt sông. Bác cũng đeo ba lô nặng 25kg…”. Biết được điều này, đồng chí Việt Phương - người có nhiều năm gần gũi Bác đã viết những vẫn thơ xúc động:

“… Ngoài bảy nhăm, Bác vẫn thường ném bóng

Cái gạt tàn thuốc lá đã từ lâu thôi không nóng trên bàn

Mỗi ban mai Bác luyện chân như ngày xưa tập trèo sườn núi vắng

Con biết lòng Người quyết đến với miền Nam…”

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi người cần phải học tập và làm theo những chuẩn mực và tấm gương đạo đức của Người. Trong lĩnh vực thể dục thể thao, quan điểm “Dân cường thì quốc thịnh” của Người càng có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực. Tấm gương rèn luyện thân thể của Người là một thực tiễn sinh động, một bài học quí báu để mỗi người trong chúng ta có thể góp phần mình vào công cuộc xây dựng một dân tộc, một đất nước giàu về vật chất, văn minh về văn hóa, mạnh mẽ về tinh thần. Đó cũng là một trong những hành động thiết thực nhằm thực hiện mục tiêu của công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

[1] Xem Hồ Chí Minh Biên niên Tiểu sử, Nxb.CTQG, H.2006, t.3, tr.143

[2] Xem Hồ Chí Minh Biên niên Tiểu sử, Nxb.CTQG, H.2006, t.3, tr.190-191

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb.CTQG, H.1995, t.4, tr.212

[4] Hồ Chí Minh, Toản tập, Sđđ, t.8, tr.264

[5] Lịch sử hơn 50 năm Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh ngày nay có một số dấu mốc quan trọng:

- Ngày 25 - 9 - 1959, Chính phủ quyết định thành lập Trường Trung cấp Thể dục Thể thao Trung ương.

- Ngày 31 - 1 - 1964, Trường đổi tên là Trường cán bộ Thể dục Thể thao Trung ương.

- Năm 1977, Hội đồng Bộ trưởng quyết định thành lập Trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn trên cơ sở (nâng cấp) trường Trung cấp Thể dục Thể thao Trung ương. Sau đó gọi là Trường Đại học TDTT I

- Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 149/QĐ - TTg đổi tên là Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh

[6] Xem báo Cứu quốc, Số 402, ngày 11 - 11 - 1946.

TS. Trần Văn Hải/Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
Theo 
http://www.upes1.edu.vn

Thứ Hai, 20 tháng 3, 2023

KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH (26/3/1931 - 26/3/2023)

 

NHỚ NHỮNG LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ 

DÀNH CHO THANH NIÊN



Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn dành những tình cảm tốt đẹp cũng như thời gian, công sức, trí tuệ của mình để giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ thanh niên Việt Nam đến với cách mạng, tham gia vào quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Bởi theo Người thanh niên luôn là lực lượng tiên phong, xung kích trên các mặt trận, góp phần xây dựng hoà bình. Bác rất tin tưởng ở thanh niên - lực lượng hậu bị của Đảng và là lực lượng cách mạng cho đời sau.

Ngay từ thời trẻ, Người đã ý thức được vai trò của thanh niên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc là vô cùng to lớn. Như tình cảm của một người cha đối với con, Bác Hồ hiểu rõ những ưu, nhược điểm của thanh niên nước ta. Bác luôn căn dặn thanh niên: “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”. Bác luôn nhấn mạnh đến việc học tập, vấn đề cốt lõi để các thế hệ thanh niên trang bị cho mình sự hiểu biết, vốn kiến thức, một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho các thế hệ thanh niên có thể vươn mình ra biển lớn, lấy sức trẻ làm giàu cho Tổ quốc, quê hương.

Có thể khẳng định rằng, chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã dành cho thế hệ trẻ những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc.

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2016). Nhân dịp này, xin được trích dẫn những lời dạy mà lúc sinh thời Bác đã dành cho các thế hệ thanh niên Việt Nam để thấy được những tình cảm sâu sắc, sự quan tâm bồi dưỡng những thế hệ thanh niên của Bác kính yêu.

 Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”.

(Thư gửi Thanh niên An Nam, 1925)

“… ngày nay chúng ta phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nhà nước trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

(Thư gửi các em học sinh nhân Ngày khai trường đầu tiên
 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9/1945).

“Hỡi anh chị em thanh niên Nam Bộ!

Tôi thề cùng các bạn giữ vững nền độc lập tự do của nước Việt Nam. Dẫu có phải hy sinh đến nửa số dân tộc, ta cũng quyết hy sinh. Cuộc kháng chiến tự vệ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam phải toàn thắng”.

(“Lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ”, ngày 30/10/1945)

“... Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội.

Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành “đời sống mới”.

Đời sống mới là:

- Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ.

- Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm.

- Việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ.

- Việc nên tránh (như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa”

 (Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến,
1 - 1946, Sđd, tập 4, trang 167.)

“… Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”.

 (“Thư gửi các bạn thanh niên”, ngày 12/8/1947)

            “Không có việc gì khó

             Chỉ sợ lòng không bền

             Đào núi và lấp biển

             Quyết chí ắt làm nên”.

(Bài thơ Bác tặng Đơn vị thanh niên xung phong 312
 làm đường tại xã Cẩm Giàng, Bạch Thông, Bắc Kạn, ngày 28/3/1951)

“Ưu điểm của thanh niên ta là hăng hái, giàu tinh thần xung phong. Khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh anh hùng. Rất mong toàn thể thanh niên ta ra sức phát triển những ưu điểm và tẩy sạch những khuyết điểm ấy. Huy hiệu của thanh niên ta là “tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”. Ý nghĩa của nó là: Phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Đồng thời phải vui vẻ, hoạt bát. Bác mong mỗi cháu và toàn thể các cháu nam nữ thanh niên cố gắng làm tròn nhiệm vụ, để xứng đáng với cái huy hiệu tươi đẹp và vẻ vang ấy”.

(Thư gửi thanh niên, tháng 4/1951, Hồ Chí Minh toàn tập)

 “Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Ðội TNXP để bảo đảm thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này. Nhiệm vụ của Ðội TNXP là xung phong mọi việc bất kỳ việc khó, việc dễ và phục vụ đến ngày kháng chiến thành công. Ðó là nhiệm vụ rất vẻ vang của thanh niên”.

(“Ðội Thanh niên xung phong” đăng trên báo Nhân Dân số 147, 1953)

 “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”

(Bài nói chuyện với sinh viên và thanh niên trong
Lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 19/11/1955)

 “Tính trung bình thanh niên chiếm độ 1 phần 3 tổng số nhân dân – tức là một lực lượng to lớn. Lực lượng to lớn thì phải có nhiệm vụ to lớn”

(“Nhiệm vụ của thanh niên ta”, báo Nhân dân ngày 20/12/1955)

“Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Để thật xứng đáng là người chủ của một nước xã hội chủ nghĩa, thanh niên ta quyết tâm thực hiện mấy điều sau đây:

- Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến thì giúp đỡ người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà.

- Phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân như tự tư tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường. Phải chống tham ô, lãng phí.

- Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.”

(Bài nói chuyện tại Đại hội Thanh niên tích
 cực lao động xã hội chủ nghĩa, ngày 17/3/960)

 “Thanh niên ta phải cố gắng học. Do hoàn cảnh trong xã hội cũ hạn chế nên số đông thanh niên công – nông ta ít được học. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức”.

(Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III
của Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 24/3/1961)

 “Bác rất yêu quý thanh niên:

- Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng.

- Vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Vì thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ Tổ quốc”.

(Bài nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ hai
 của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, ngày 20/12/1961)

 “Phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, việc khó có thanh niên, gặp gian khổ phải đi lên phía trước, khi hưởng thụ phải hưởng thụ sau mọi người”.

(Bài phát biểu tại Hội nghị Cán bộ toàn miền Bắc, tháng 9/1962)

 Đảng, Chính phủ và Bác rất chú ý đến thanh niên. Bác vui lòng khen ngợi những cố gắng của thanh niên… Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt.

Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp.

Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm", "gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người".

Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ.”

(Bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên
Lao động Việt Nam toàn miền Bắc, ngày 22/9/1962)

 “Bác muốn dặn thêm các cháu mấy điều:

- Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

 - Phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do.

- Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, để giúp nhau cùng tiến bộ mãi.

- Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.

- Luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên và nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo”.

(Thư gửi thanh niên Ngày 2/9/1965, Báo

 “Các cháu xứng đáng là những thanh niên ưu tú của nhân dân Việt Nam anh hùng. Và, giặc Mỹ đã thua to ở hai miền nước ta, chúng đang thất bại ngày càng nặng nề hơn ở miền Nam, nhưng chúng vẫn rất ngoan cố chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta. Vì vậy, Bác nhắc nhở các cháu: Phải nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng, cùng quân dân ta quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược; luôn luôn đoàn kết, ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa để ngày càng tiến bộ, đem hết nhiệt tình tài năng của tuổi trẻ cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”.

(Thư khen ngợi đơn vị TNXP 333 có nhiều thành
tích xuất sắc trên các tuyến đường Khu Bốn ác liệt, ngày 27/1/1969)

  “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”.

(Di Chúc của Người)

Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2023

NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC 20/3/2023

“HẠNH PHÚC CHO MỌI NGƯỜI” 

 


Ngày 20/3 hàng năm còn được gọi là Ngày Quốc tế Hạnh phúc, với thông điệp: Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc, hay còn gọi là "Ngày Hạnh phúc", bắt nguồn từ Vương quốc Phật giáo Bhutan Himalaya. Đây là ngày để cả thế giới quan tâm đến vấn đề cốt lõi trong cuộc sống, đó là làm sao để tìm được thật nhiều niềm vui trong cuộc sống.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) được chính thức công bố tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc (tháng 6/2012) theo đề xuất của Vương quốc Bhutan, một quốc gia nhỏ bé ở khu vực Nam Á, nằm sâu trong lục địa phía Đông dãy Himalaya. Từ năm 1970, bên cạnh các chỉ số về kinh tế thường được dùng để đánh giá về sự giàu có vật chất, nhà vua của Vương quốc Bhutan đã đưa ra một cách thức mới đánh giá sự thịnh vượng của xã hội, đó là thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia. Chỉ số này được tính toán dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Bhutan là quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao đã ghi nhận uy thế của hạnh phúc quốc gia hơn là thu nhập quốc gia và nổi tiếng với việc thực thi mục tiêu tổng hạnh phúc quốc gia thay vì tổng sản phẩm quốc nội. Đại diện quốc gia Bhutan cho rằng, nhu cầu về Ngày Hạnh phúc này là đối với tất cả quốc gia và con người trên toàn thế giới để có những bước vượt lên trên sự khác biệt giữa các nước và con người trên toàn thế giới và liên kết, đoàn kết toàn nhân loại.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc hay là Ngày Hạnh phúc (International Day of Happiness) là ngày 20 tháng 3 hàng năm, kể từ năm 2013. Ngày này là ý tưởng của chuyên gia Liên Hợp Quốc Jayme Illien đưa ra nhằm tôn vinh, phát triển và nâng cao hạnh phúc trên toàn cầu Trong năm 2011, Illien đã đưa ra ý tưởng và khái niệm về việc tạo ra một ngày mới toàn cầu về nhận thức, Ngày Quốc tế Hạnh phúc, cho các quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc. 

Ngày lễ quốc tế này được Đại hội đồng Liên Hiệp quốc quyết định chính thức khi tất cả 193 quốc gia thành viên nhất trí thông qua Nghị quyết A/RES/66/281 ngày 20 tháng 6 năm 2012, chọn để tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại trên thế giới và với mục tiêu không chỉ là ngày mang ý nghĩa biểu tượng đơn thuần, mà còn là ngày của hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng thế giới đại đồng, đem lại hạnh phúc cho người người trên trái đất. Ngày 20/3 hàng năm còn được gọi là Ngày Quốc tế Hạnh phúc, với thông điệp: Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.

           Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.

"Đối với mỗi người khác nhau, hạnh phúc có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta đều công nhận rằng, hạnh phúc nghĩa là làm việc để chấm dứt xung đột, nghèo đói và các điều kiện không may mắn khác và rất nhiều đồng loại của chúng ta hiện đang phải sống trong các điều kiện đó. Hạnh phúc không phải là điều phù phiếm, cũng không phải là điều gì xa xỉ. Hạnh phúc là khát khao sâu xa của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Hạnh phúc không nên từ chối một ai và phải là của tất cả mọi người. Khát vọng này ẩn chứa trong cam kết của Hiến chương Liên Hợp Quốc để thúc đẩy hòa bình, công bằng, nhân quyền, tiến bộ xã hội và mức sống được cải thiện".

 Việt Nam hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc

       Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 do Liên Hợp quốc phát động, ngày 26/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm”. Từ năm 2014, Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Điều đó mang ý nghĩa lớn lao nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc; nâng cao nhận thức toàn xã hội về Ngày Quốc tế Hạnh phúc, để từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; kêu gọi sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3).

          Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc của Việt Nam là để cùng cả thế giới biểu thị mong muốn, niềm tin và quyết tâm phấn đấu vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo; một thế giới phát triển thịnh vượng và bền vững; một thế giới mà tất cả mọi người dù khác màu da, dân tộc, tôn giáo đều được hưởng trọn vẹn hạnh phúc. Để Ngày Quốc tế Hạnh phúc có ý nghĩa thiết thực và cao đẹp, chúng ta hãy cùng nhau chung sức, chung lòng, trách nhiệm, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, trong đó đặc biệt quan tâm tới các khu vực đồng bào dân tộc ít người còn nhiều khó khăn, tới các đối tượng chính sách dễ bị tổn thương. Hãy cùng nhau kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, hiếu nghĩa của dân tộc Việt Nam. Hãy yêu thương và sẻ chia để tìm thấy cho mình và giúp những người quanh ta, trước hết là gia đình, là những người thân có nhiều giây phút hạnh phúc đích thực!

PV.

Thứ Hai, 6 tháng 3, 2023

KỶ NIỆM 113 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ VÀ 1983 NĂM CUỘC KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG

 Chủ tịch Hồ Chí Minh với phụ nữ Việt Nam

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của phụ nữ Việt Nam trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Người xác định phụ nữ là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhận thấy phụ nữ có nhiều khả năng làm lãnh đạo, từ cấp cơ sở đến trung ương, đo đó, Người đề nghị Đảng, Chính phủ và các cấp, các ngành phải đặc biệt chú ý, cất nhắc phụ nữ vào đúng những vị trí, chức vụ phù hợp với khả năng để chị em có điều kiện phát huy năng lực của mình.


Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nữ đại biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, tháng 9 năm 1960


1. Bác Hồ mong muốn giải phóng phụ nữ và đánh giá cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội

Ngay từ những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ luôn quan tâm đến phụ nữ và trẻ em ở những nước thuộc địa nói chung, Việt Nam nói riêng. Người cho đó là những lớp người khổ nhất trong những người khổ cực, họ không những phải chịu đựng nỗi đau của người dân mất nước, bị tước đoạt hết các quyền tự do, dân chủ mà còn bị ngược đãi, chà đạp lên cả phẩm giá con người.

Xuất phát từ lòng nhân ái bao la và sự đồng cảm sâu sắc với nỗi đau khổ mà người phụ nữ phải gánh chịu dưới chế độ thực dân, phong kiến nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt ra yêu cầu bức thiết phải giải phóng “nửa thế giới” khỏi “xiềng xích nô lệ”. Người xác định: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”.

Trong tác phẩm “Ðường Kách mệnh”, Bác viết: “Ông Các Mác nói rằng: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi”; “Ông Lê-nin nói: Ðảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công...” . Sau khi đã trở thành Chủ tịch nước, Người luôn dành tình cảm, sự ưu ái, ân cần của mình đối với phụ nữ.

Trong Thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Người viết: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Điều này một lần nữa được Người khẳng định trong cuốn sách “Lịch sử nước ta”: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời”. Tại Đại hội liên hoan phụ nữ “Năm tốt”, ngày 30/4/1964, Bác khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta đã góp phần khá lớn làm cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi vẻ vang (…) Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội”.

Cùng với việc đánh giá cao sự đóng góp của phụ nữ trong kháng chiến, trong xây dựng đất nước, Bác căn dặn phụ nữ cần phải luôn cố gắng hơn nữa: “…Tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xoá bỏ cái tâm lý tự ty và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật (…) Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị người làm chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.

Ngày 9-3-1961, khi nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần III, Bác dặn dò phụ nữ phải nhận rõ địa vị làm chủ của mình: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, trước mắt là thi đua hoàn thành tốt kế hoạch năm nay, để làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm, để xây dựng đời sống tươi vui hạnh phúc cho nhân dân ta, cho con cháu ta”.

Tại Đại hội liên hoan Phụ nữ “Năm tốt” (ngày 30/4/1964), Bác mong muốn chị em phải tích cực thi đua, cố gắng học tập, phấn đấu vươn lên: “Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xoá bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập. Có như thế thì phong trào “Năm tốt” sẽ ngày càng lan rộng, ăn sâu và sẽ thực hiện 100% bình quyền, bình đẳng” .

Xuất phát từ vai trò, vị trí và những đóng góp của phụ nữ, Bác Hồ đã nhiều lần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia hoạt động, phấn đấu. Khi nói chuyện tại Lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện (18/1/1967), Bác phê bình sự thiếu sót trong bồi dưỡng cán bộ nữ, Người đánh giá cao vai trò của cán bộ nữ đồng thời yêu cầu phải đấu tranh mạnh bệnh thành kiến hẹp hòi đối với phụ nữ: “Cán bộ nữ ít như vậy là một thiếu sót. Các đồng chí phụ trách lớp học chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ nữ. Đây cũng là thiếu sót chung ở trong Đảng. Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai. Hiện nay, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở cơ sở. Nhiều người công tác rất giỏi. Có cháu gái làm chủ nhiệm hợp tác xã toàn thôn, không những hăng hái mà còn làm rất tốt. Các cháu gái ở các hợp tác xã thường có nhiều ưu điểm: ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách, mệnh lệnh như một số cán bộ nam, có đúng như thế không? Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ. Các cô, nhất là các cô ở huyện, phải đấu tranh mạnh. Vì các cô mà không đấu tranh thì những đồng chí nam có thành kiến với phụ nữ sẽ không tích cực sửa chữa” .

Trước lúc đi xa, Người vẫn đau đáu một nỗi niềm: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo” .

Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước lúc đi xa, Người đã không quên nhắc tới phụ nữ Việt Nam: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Những lời chỉ dạy, quan tâm của Người đối với phụ nữ từ khi ra đi tìm đường cứu nước, cho đến những lời di chúc để lại trước lúc đi xa, đều thể hiện tình cảm cao quý, lòng yêu mến và đánh giá cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Đó vừa là tình cảm, vừa là huấn thị thiêng liêng mà Bác dành cho phụ nữ Việt Nam.

2. Phụ nữ Việt Nam làm theo lời Bác dạy

Đáp lại niềm tin tưởng và tình cảm trân quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ Việt Nam đã không quản ngại khó khăn vất vả, luôn anh dũng chiến đấu, kề vai sát cánh cùng nam giới trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước. Không chỉ trên tiền tuyến mà ở cả hậu phương, chị em phụ nữ cũng luôn phấn đấu thi đua tăng gia sản xuất, nuôi dạy con ngoan, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.

Vị thế của người phụ nữ ngày càng được nâng cao trong gia đình và ngoài xã hội. Họ không chỉ làm tốt thiên chức “làm vợ, làm mẹ” mà còn hoàn thành vai trò của một người công dân với xã hội. Các thế hệ phụ nữ Việt Nam luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để tiếp tục phát huy những truyền thống hào hùng của phụ nữ Việt Nam, tích cực trên mọi mặt trận, góp phần xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu mạnh, văn mình, xây dựng và phát triển phong trào phụ nữ ngày càng phát triển.

Khắc sâu lời dạy của Người, ngày nay “một nửa thế giới” đã nỗ lực vươn lên để khẳng định mình. Vị thế của người phụ nữ ngày càng được nâng cao trong gia đình và ngoài xã hội. Họ không chỉ làm tốt thiên chức “làm vợ - làm mẹ” mà còn hoàn thành tốt vai trò của một người công dân đối với xã hội. Thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phụ nữ Việt Nam đã có mặt trên tất cả các lĩnh vực công tác của đời sống xã hội, ngày càng có nhiều chính trị gia; nhà lãnh đạo, quản lý; nhà khoa học và doanh nhân thành đạt  là phụ nữ.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của chị em phụ nữ cả nước, công tác phụ nữ trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển đất nước. Ðể phong trào phụ nữ tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần phối hợp, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ mới, xứng đáng với tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng phụ nữ Việt Nam./.

TS Minh Dương – Ths Duy Tiến

  BÁC HỒ VỚI "TẾT TRỒNG CÂY" Tết Canh Tý năm 1960, trong không khí sôi nổi mừng Đảng, mừng xuân, sáng ngày 11/01/1960, Chủ tịch ...