Thứ Hai, 26 tháng 12, 2022

Ô KÌA, MỘT THOÁNG TIM MỀM



Những tờ lịch mỏng cuối năm xé trong một thoáng tần ngần, một thoáng tim mềm đi khi năm mới đang kề trước mắt. Một năm bắt đầu bằng tháng Giêng, bằng những non tơ đến ngỡ ngàng của chồi non, lộc biếc, bằng những dịu êm của nắng mai, những vương vít của cánh bướm cánh ong tìm hoa, những trái tim thoáng thấy lòng rộng mở khi hát khúc yêu thương và khát vọng.

Là Tháng Giêng đấy, nhắc ta nhớ quê cha với những nẻo đường quê đang chờ bước chân ta về. Sáng nay nhận tiền thưởng tết Dương lịch, mở Đen Vâu nghe hát “Đi về nhà”. “Đường về nhà là vào tim ta/ Dẫu nắng mưa gần xa/ Thất bát, vang danh/ Nhà vẫn luôn chờ ta/ Đường về nhà là vào tim ta/ Dẫu có muôn trùng qua/ Vật đổi sao dời/ Nhà vẫn luôn là nhà”. Và cũng sáng nay gặp một vài người bạn, thật tình cờ, trong mọi câu chuyện đều hỏi nhau rằng, năm nay ăn Tết quê hay thành phố, đã mua vé tàu, xe, máy bay gì về quê chưa? Đơn giản vậy thôi mà thấy nắng sáng nay đẹp, gió sáng nay sao mà hiền quá thể.

Những nẻo đường quê Tháng Giêng chợt thức dậy trong lòng với lừng thơm hương bưởi hương cau vấn vít với mùi trầm thắp lên bàn thờ tiên tổ. Hái nhành hoa bưởi thanh tao đặt lên đĩa cúng ông bà, nghe mùi hương dịu dàng ấy lẫn trong làn hương trầm, đánh thức cả một miền tâm thức. Thấy mình xao xuyến yêu thương cả những làn hương rất dịu mà những tháng ngày khác trong năm bận bịu quá chẳng mấy khi nghĩ tới, nhận ra.

Ừ là tháng Giêng sắp về rồi đấy, lối nào cũng mong ngóng dẫn về bình yên. Dẫu chưa về quê, chiều qua trên đường đi làm về nhìn cánh cò lạc bên sông giữa phố mà đã thấy như thật gần dáng những chị những mẹ ra đồng, dáng lưng còng trên ruộng mạ non xanh, thi thoảng những cánh cò lả lướt bay lên cùng ca dao. Là những tờ lịch đầu năm mới đấy, đang chờ tay người lật mở, chỉ nhắm mắt lại thôi bạn có thể nghe trái tim mình đang hát lời thương yêu. Người và vạn vạt quyện hòa lấy nhau như không thể nào thiếu được.

Người có nghe tháng Giêng chầm chậm về cùng tiếng chuông chùa? Tiếng chuông những ngày này luôn nhắc nhớ những bà, những mẹ mình quanh năm tất bật, chỉ thư thái khi bước chân vào những đền, chùa quen thuộc. Những sớm mai se lạnh đến và đi như có hẹn, chỉ sau Noel, bước về tháng Giêng sẽ vụt tan đi như lớp mây mù mỗi sáng kia. Khi ấy, mẹ nhắc ta bài học biết ơn những ngày đông lạnh để dòng nhựa chảy trong từng thớ vỏ, những cành cây khẳng khiu, để kiêu hãnh dâng lên một mùa lộc mới. Mẹ nhắc ta cuối năm biết cảm ơn Trời Phật, ơn trên đã độ trì cho một năm bình an, biết cầu cho tâm mình an, cũng đừng quên cầu cho tâm người thân yêu, cả người dưng được an. Đơn giản, hạnh phúc nằm trong chữ an, chẳng ai có thể giữ bình an khi chỉ cầu an cho mỗi riêng mình. Và cả những khi, dù chẳng nhắc chi đâu, nhưng ánh mắt nụ cười của mẹ khi trao gửi những người dưng trong những sáng lên chùa ấy cứ nhắc ta hoài, mở lòng sẽ đón nhận được niềm vui. Những ngày đầu năm vui, ấm cúng, nhất định sẽ có một khởi đầu mới mẻ, đầy tin yêu, đầy may mắn. Lạ thay, điều tưởng như không mấy logic ấy lại được nuôi mãi trong tâm trí của ta, từ khi còn là đứa trẻ cho đến mãi sau này.

Người có nghe những yêu thương từ cái nắm tay của những đôi bạn trẻ đi ngoài phố. Dẫu rằng chẳng quen đâu, mà cái nắm tay, nụ cười họ dành cho nhau ấy, sao bỗng dưng thấy thân quen chi lạ. Nó khiến ta nhớ chính thanh xuân của ta, như chưa hề có khoảng cách vài mươi năm, mà như thể hiện hữu trong ánh mắt, nụ cười đôi trẻ ấy. Nó khiến ta nhớ cái nắm tay thuở ban đầu bên bờ sông Tháng Giêng mờ mờ sương trong nắng mềm và gió đã bớt lạnh, nuôi nấng mãi những mộng mơ tuổi thanh xuân.

Và vì thế, Tháng Giêng “ngon như một cặp môi gần”. Và vì thế Tháng Giêng đánh thức yêu thương trong lòng mình, với cả những cánh én nhỏ bay trong nắng mới, những nụ hoa vừa hé trước sân. Để thấy tim mình đang mềm đi như một câu hát bình yên, biết yêu từng chồi non mơn man, biết yêu một dòng sông êm êm trôi trong sương sớm, biết trân trọng từng khoảnh khắc sống chậm, biết nâng niu từng giọt xúc cảm ngọt ngào còn long lanh mãi trong tâm trí mình. Dẫu rằng, dù đang tuổi mười tám đôi mươi hay U40, U50, U60... đã bước qua ngưỡng U20 từ lâu lắm thì chỉ bước qua Tháng Giêng, vẫn thấy thanh xuân trong từng khoảnh khắc.

Cảm ơn Tháng Giêng đã giữ giùm những ngày tháng ít bận rộn để mẹ và con, người với người xích gần nhau hơn như thế.

Võ Thu Hương

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022): Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng

 


78 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước, đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc, được nhân dân hết lòng thương yêu, đùm bọc, nuôi dưỡng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, anh dũng chiến đấu hy sinh, từng bước trưởng thành, lớn mạnh.

Ngay trong những ngày đầu mới thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu, lập nên chiến công Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chiến công nối tiếp chiến công, Quân đội ta đã cùng với toàn dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, đưa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Quân đội đã làm nòng cốt cùng toàn dân và các lực lượng vũ trang chiến đấu và giành thắng lợi vang dội trong các chiến dịch Việt Bắc (năm 1947), Biên Giới (năm 1950) và cuộc quyết chiến chiến lược Đông Xuân (năm 1953 - 1954) với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” (năm 1972) đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; quân và dân ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975; góp phần hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là những kỳ tích hào hùng của thời đại Hồ Chí Minh.

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, cùng toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Là đội quân cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân, 78 năm qua, Quân đội luôn dựa vào dân để thực hiện nhiệm vụ, đồng thời luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản và cuộc sống yên bình của nhân dân; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương, tăng cường “thế  trận lòng dân”; chủ động giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực tham gia các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “xóa đói giảm nghèo”, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, mỗi khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, cán bộ, chiến sĩ quân đội và các lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên đã dũng cảm, xả thân bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và sản xuất, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, tô thắm thêm truyền thống và phẩm chất cao đẹp bộ đội Cụ Hồ.

Vừa làm tròn chức năng của một đội quân chiến đấu, toàn quân đã luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự  cường, khắc phục khó khăn, tích cực lao động, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống bộ đội. Trong kháng chiến, Quân đội đã vừa đánh giặc, vừa sản xuất, thực hiện “thực túc - binh cường”, trực tiếp tạo ra của cải, vật chất phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc. Trong hòa bình, Quân đội lại vừa xây dựng, vừa tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế đất nước; góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng trong thời kỳ mới.

Trải qua 78 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Quân đội ta thật sự là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng; làm tròn chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất và làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang; xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ kính yêu: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta diễn ra trong bối cảnh có những thuận lợi cơ bản, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức lớn. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông ngày càng gay gắt. Các thế lực thù địch tăng cường hoạt động “diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng nước ta một cách tinh vi, trắng trợn. Cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng diễn ra hết sức gay gắt và ngày càng quyết liệt. Điều đó đang đặt ra yêu cầu rất cao đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; trong đó, vấn đề xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại là nội dung đặc biệt quan trọng và là yếu tố cơ bản để quân đội ta hoàn thành trọng trách là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Xây dựng quân đội về chính trị là nguyên tắc cơ bản hàng đầu là vấn đề có tính quy luật và có ý nghĩa sống còn đối với quân đội ta. Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị thực chất là xây dựng quân đội kiểu mới mang bản chất giai cấp công nhân, xây dựng quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đồng thời, đòi hỏi phải luôn giữ vững và không ngừng tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Đây là vấn đề cốt tử có tính nguyên tắc và cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta trong 78 năm qua. Bài học đó càng có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong giai đoạn cách mạng hiện nay, có ý nghĩa quyết định nhất là phải xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh, có sức chiến đấu cao, có năng lực lãnh đạo toàn diện, làm tốt chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự quốc phòng.

Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, tin tưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nêu cao khát vọng phát triển “đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, “dân tộc cường thịnh, trường tồn”, khơi dậy khát vọng cống hiến của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đem trí tuệ, tài năng, nhiệt huyết của mình, tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp bộ đội Cụ Hồ, phát huy truyền thống vẻ vang, thể hiện rõ vai trò của một đội quân chiến đấu, trung thành vô hạn với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu.

                                                                       Ths. Nguyễn Thanh Hoàng

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN (19/12/1946 – 19/12/2022): KHÁT VỌNG ĐỘC LẬP, TỰ DO CỦA MỘT DÂN TỘC YÊU NƯỚC!

 


Kỷ niệm 76 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2022): Khát vọng độc lập, tự do của một dân tộc yêu nước!

 


Ngày 26/9/1945, tại ga Hàng Cỏ, đoàn quân Nam tiến đầu tiên rời Hà Nội vào chi viện cho miền Nam, mở đầu cho phong trào Nam tiến, cả nước sát cánh cùng đồng bào Nam bộ và Nam Trung bộ đánh giặc cứu nước. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

 

Tháng 9/1945, không chấp nhận để Việt Nam và Đông Dương giành độc lập, dưới sự ủng hộ của quân Anh với danh nghĩa là lực lượng Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, thực dân Pháp đã quyết tâm trở lại xâm lược nước ta. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” đó, Đảng ta, Chính phủ và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tìm mọi cơ hội hòa hoãn, kéo dài thời gian hòa bình nhằm chuẩn bị cho cuộc kháng chiến có thể không thể tránh khỏi.

Thế nhưng, trước dã tâm và những hành động ngoan cố của thực dân Pháp hòng áp đặt sự cai trị Việt Nam và Đông Dương một lần nữa, các nỗ lực cứu vãn nền hòa bình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều bất thành. Quyết tâm giữ vững nền tự do, độc lập của dân tộc, của đất nước, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định cùng nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày 19/12/1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc Thủ đô Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” với nội dung:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!


“Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” là lời hiệu triệu toàn dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng chống Pháp với đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”.

Hưởng ứng Lời kêu gọi đó, nhân dân cả nước từ già đến trẻ, từ thành thị đến nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi và mọi tầng lớp trong xã hội đã nhất tề đứng lên chống Pháp. Hà Nội là một trong những chiến trường chính trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc. Từ đêm 19/12/1946, quân và dân Thủ đô đã đồng loạt tấn công chủ động, bất ngờ vào các căn cứ của quân Pháp. Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân dân Thủ đô kiên cường bám trụ, giành giật với địch từng mái nhà, góc phố, con đường, làm tiêu hao sinh lực địch, giam chân Pháp trong thành phố nhiều ngày để tạo điều kiện cho các cơ quan đầu não, chủ lực kịp thời sơ tán lên chiến khu Việt Bắc một cách an toàn và bước vào giai đoạn trường kỳ kháng chiến vào tháng 3/1947.

Đồng thời, quân và dân cả nước đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống Pháp với ý chí căm thù giặc sục sôi, với niềm tin tất thắng.

Quân và dân Hà Nội đào giao thông hào ngay trong Bắc bộ phủ, sẵn sàng chiến đấu chống giặc. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chính phủ ta đã phát huy tối đa truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng để quân dân ta đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, tạo tiền đề vững chắc cho những thắng lợi tiếp theo, từng bước bẻ gãy ý chí xâm lược của chúng. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 không chỉ góp phần giải phóng một nửa đất nước Việt Nam mà còn thúc đẩy sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân mới trên phạm vi toàn thế giới.

Kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến là thêm một dịp để toàn Đảng, toàn dân ôn lại truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng. Bước vào thế kỷ XXI, Đảng và Nhà nước ta đã tiếp tục lãnh đạo nhân dân giành được những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới, đang từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Những thành tựu về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội… của nhân dân ta trong những năm qua đã được bạn bè quốc tế thừa nhận. Đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta qua nhiều nhiệm kỳ đại hội, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của nước ta qua 35 năm đổi mới, như Đảng ta đã nhận định.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: http://hochiminh.vn/)

Tuy nhiên, đất nước ta đang đối diện với những thử thách to lớn, như công nghiệp hoá, hiện đại hóa còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu còn bất cập; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn một số hạn chế; những vấn đề toàn cầu, như bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường... tiếp tục diễn biến phức tạp… Đây là những vấn đề đã được Đại hội XIII của Đảng nhìn nhận và có phương hướng khắc phục.

Phát huy tinh thần khát vọng độc lập, tự do, tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc, cả hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên cần tiếp tục sáng tạo, dũng cảm, kiên trì để cùng nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn trong thời gian tới.

Nguyễn Hồ Phong


Thứ Hai, 5 tháng 12, 2022

Kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh Việt Nam (06/12/1989-06/12/2022)

 

BÊN PHỐ TRĂM NĂM

Tôi vẫn thích ngồi lại bên những người già. Mỗi người già trong cuộc đời này đều là một kỳ quan. Khi những người già kể cho tôi nghe về cuộc đời họ, trong ký ức xa xôi đó là dáng hình của phố, là chân dung một giai đoạn, một thời đại sống; cả niềm vui lẫn nỗi buồn của một kiếp con người. Những người già luôn khiến tôi thấy ngưỡng mộ - như một người già của phố trăm năm mà tôi đã được ngồi lại vào một buổi chiều nắng đổ qua thành phố. Ông là cựu binh Nguyễn Thanh Hà – người đã lặng lẽ mấy mươi năm qua đi khắp miền Nam tìm hài cốt đồng đội.


Đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố
đã đến thăm thương binh Nguyễn Thanh Hà

NGƯỜI CỰU BINH GIÀ LẶNG LẼ TÌM ĐỒNG ĐỘI

Ngày 22/11/1965, trong cuộc chiến không cân sức với địch tại Dầu Tiếng (Bình Dương), gần 200 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Thân xác các anh nằm lại với rừng suốt nửa thế kỷ, cho đến khi được đồng đội tìm thấy. Giữa trưa nắng Dầu Tiếng, khi những mảnh xương liệt sĩ đầu tiên xuất hiện lẫn trong bùn đất, có người cựu binh già vừa gọi điện báo tin khắp nơi cho anh em bạn bè, vừa khóc nức nở. Cuộc tìm kiếm này, ông đã nguyện, nếu không có kết quả, ông cũng sẽ nằm lại với đồng đội.


Thương binh Nguyễn Thanh Hà giao lưu tại Ngày hội tri ân

ĐỂ TRẢ NỢ ĐỒNG ĐỘI

Cho đến bây giờ, khi nhắc về cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) vào năm 2015, cựu binh Nguyễn Thanh Hà vẫn không nguôi niềm xúc động. Đồng đội ông, 187 người đã ra đi, không kịp nói một lời vĩnh biệt, không được nhớ mặt gọi tên. Thân xác các anh vùi sâu vào lòng đất mẹ. 50 năm sau, bầu trời hòa bình đã xanh biếc trên đầu.

Ngày 22/11/1965, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 của ta mở đợt tấn công vào căn cứ Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 của Mỹ - Ngụy. Trước trận đánh tại Làng 10 – Dầu Tiếng (nay là ấp Đồng Trai, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng), trinh sát báo về địch có 47 xe tăng, trung đoàn chuẩn bị lực lượng tấn công. Vậy nhưng đêm đến, chúng bí mật tập hợp thêm 100 xe nữa. Quân ta chiến đấu kiên cường, gây cho địch không ít tổn thất. Nhưng vì quá chênh lệch về lực lượng, bị phản công, rất nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. “Ba ngày sau, địch gom xác chở anh em về căn cứ, kêu gọi dân làng ra nhận. Nhưng không ai nhận. Cuối cùng, chúng mang xác các anh em chất lên ba xe tải, rồi ra đổ xuống mương nước trong rừng” – cựu binh Nguyễn Thanh Hà xót xa.

Con mương chiều ngang 2m, sâu khoảng 2m, dài 400m. Sau nửa thế kỷ, mương nước đã cạn. Vậy mà phải đến lần tìm kiếm thứ tư, sau gần ba ngày đào xúc cật lực, đội tìm kiếm mới thấy được dấu tích liệt sĩ từ chiếc dép râu. “Đào ngày thứ nhất không tìm thấy gì. Ngày thứ hai, đào đến hai giờ chiều cả hai xe xúc đều hỏng cùng một lúc, không cách gì sửa được. Tôi gọi ra Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người ngoài Hà Nội, xin ý kiến. Các thầy nói rằng, các liệt sĩ đang thử thách chúng tôi. Giờ phải làm mâm cơm cúng mặn, khấn vái các anh cho gặp. Tôi làm theo, đốt bảy nén nhang vái khắp bốn phương trời mười phương Phật, mong anh em có linh thiêng hãy dẫn đường cho chúng tôi tìm thấy. Tôi cứ làm theo thành khẩn như thế. Đã tìm đến mấy lần rồi, lòng tôi vô cùng xót xa, không có lý do gì mà một số lượng hài cốt lớn đến như vậy mà mình không thể tìm ra. Vậy mà rồi kỳ lạ, khi nhang cháy đến một phần ba thì cả hai chiếc xe xúc đều hoạt động trở lại. Chúng tôi tiếp tục đào khẩn trương, cuối cùng đã tìm được” – cựu binh Nguyễn Thanh Hà nhớ lại.

Khi mảnh xương hài cốt liệt sĩ đầu tiên được tìm thấy, mọi người đều vô cùng xúc động. Còn cựu binh Nguyễn Thanh Hà, ông gọi điện báo cho khắp nơi, những người đồng đội, các cơ quan, các cấp thẩm quyền. Ông vừa nói vừa khóc. Cuối cùng, ông và các anh em đã tìm ra nơi các chiến sĩ nằm lạnh lẽo suốt nửa thế kỷ. Hài cốt của các anh, xương sọ, xương ống chân, xương tay lẫn dây nịt, dây võng, khăn gói cơm vắt bằng vải dù…đều còn, gần như nguyên vẹn.

187 hài cốt đã được tìm thấy trong mương nước giữa rừng.

Tôi ngồi trong căn nhà nhỏ yên tĩnh của ông trên đường An Bình (Q.5), như hiển hiện trước mắt mình hình ảnh một người già run rẩy khóc. Đồng đội ông được tìm thấy, cũng có nghĩa là sẽ có câu trả lời về cho gia đình của các anh. Rằng mấy mươi năm qua, con em họ đã nằm lại ở đâu. “Tôi làm công việc này, như để trả nợ cho đồng đội tôi, trả nợ với các gia đình chiến sĩ” – cựu binh Nguyễn Thanh Hà tâm sự. Những cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, ông đi với những người bạn có cùng tâm nguyện. Tháng 11/2019, ông cũng vừa về huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) để bắt đầu một cuộc tìm kiếm khác, tìm lại tên cho các liệt sĩ nằm trong những ngôi mộ vô danh ở nghĩa trang Dòng Chùa, các chiến sĩ đã hy sinh vào ngày 20/3/1973, trong cuộc đối đầu với Pol Pot.

Có lần tìm được hài cốt liệt sĩ Lê Hữu Quốc, hy sinh ngày 12/10/1977 trong trận đánh tại Bến Cầu (Tây Ninh), đưa về gia đình tại Hà Nội. Ông mới biết có người mẹ già đau ốm nằm liệt giường suốt 4 năm trời, vẫn cứ ngóng chờ tin con. Ngày đón con trai trở về yên nghỉ ở nghĩa trang Nhổn (Hà Nội), bà mới cất được gánh nặng chờ mong suốt mấy mươi năm, và rồi bà đã ra đi thanh thản…

Cựu binh Nguyễn Thanh Hà nói, ông không đếm hết những chuyến đi khắp các tỉnh, thành miền Nam để tìm đồng đội. Ông cũng không màng đến những khó khăn vất vả. “Có xe bạn thì đi, không thì nhảy xe khách, về tỉnh nào cũng có đồng đội của mình. Ngủ sao cũng được, có gì ăn nấy, bạn bè đồng đội ở khắp miền Nam này mà” – ông nói. Người cựu binh ấy năm nay đã 77 tuổi, là thương binh hạng nặng, thương tật ¼, mất sức 81%.

“TẤT CẢ ĐỜI TA, SỨC TA ĐÃ HIẾN DÂNG CHO SỰ NGHIỆP CAO ĐẸP NHẤT”

Khi tôi gọi điện ngỏ lời hẹn gặp, cựu binh Nguyễn Thanh Hà cứ ngần ngại, nhiều lần hỏi tôi: “Có cần thiết phải viết không con?”. Ông muốn lặng lẽ làm công việc của mình, trong yên tĩnh. “Công việc của mình làm là trách nhiệm đối với Tổ Quốc, không phải làm để được khen, hay để cho mọi người biết đến. Chỉ cái nào lợi cho dân cho nước thì làm. Tôi vốn dĩ đã nghĩ và sống như vậy từ xưa đến giờ rồi” – cho đến khi được ngồi lại bên ông, tôi mới hiểu đó là lựa chọn của người lính. Lựa chọn lý tưởng mà một thế hệ tuổi trẻ thời đại ông đã chọn. Như câu nói của nhân vật Pavel Korchagin (trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy! của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky): “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

Con người được sinh ra trong cõi đời này, đều nhận lấy một sứ mạng. Tôi tin rằng, số phận đã chọn ông, chọn để thử thách, và để làm những điều ý nghĩa mà ông đã xem đó như là lẽ sống của đời mình. “Cái chết ai mà không sợ. Vậy mà ông ấy thì không. Bị thương nặng được đơn vị cho phục viên, ông vẫn trốn viện, vào với đồng đội. Không ai viết giấy giới thiệu, không có suất ăn, không được trang bị vũ khí, ông cũng nhất quyết bám trụ với đồng đội, sống chết có nhau” – bà Trần Thị Thanh Quế, người bạn đời của cựu binh Nguyễn Thanh Hà hồi tưởng. Ông không sợ chết, vì nghĩ, gia đình không còn ai thân thích, cả ba anh em đều đi lính, không biết ai còn ai mất. Cả một thời trai trẻ, với ông, đơn vị là nhà, đồng đội là anh em, phía trước chỉ có đường hành quân và những trận chiến.

Chiến tranh ra đi không hẹn ngày về. Người chiến sĩ Nguyễn Thanh Hà năm ấy, trước mỗi trận chiến đều xác định mình sẽ chết. Kể cả cái lần bị thương nặng nằm ngất lịm trong trận chiến ở Đồng Rùm – Tây Ninh. Khoảnh khắc sinh tử ấy, ông đã cố nhìn lại cánh rừng quen thuộc, nhìn bóng dáng đồng đội xung phong, cố thu vào tầm mắt nguồn sáng cuối cùng khi máu đã chảy tràn trên mặt.

“Vậy mà rồi cũng không chết được. Tôi tỉnh dậy ở trạm xá, nghe kể lại rằng có một nữ thanh niên xung phong đã tìm thấy, đưa tôi về rồi lại tất tả lao ra cánh rừng tiếp tục tìm thương binh. Tôi đã tìm kiếm người ân nhân ấy suốt nhiều năm, nhưng không có manh mối. Có người nói với tôi rằng, cô ấy đã hy sinh trong cuộc tìm kiếm hôm ấy…” – cựu binh Nguyễn Thanh Hà ngậm ngùi.

Mỗi người già đều là chứng nhân của thời đại. Ký ức của họ là cả một kho tàng quý giá. Huống gì người già ấy lại trở về từ cuộc chiến. Như cựu binh Nguyễn Thanh Hà. Cuộc đời ông đã mất mát từ khi còn thơ ấu. Chiến tranh tước đi sinh mạng của bố mẹ, ba anh em ông mỗi người một nơi làm con nuôi, rồi từ Hưng Yên xuôi Nam. Bản thân ông mấy lượt làm con nuôi trong các gia đình, từ Việt Nam đến Campuchia. Hết tham gia kháng chiến chống Mỹ lại tái ngũ, sang chiến trường K. Đến giờ, đã bước qua gần trọn kiếp con người, ông vẫn nhớ tất cả, nhớ rõ từng chi tiết, từng trận chiến, từng đồng đội đã hy sinh. Nhớ để bắt đầu những cuộc kiếm tìm…

Cuộc tìm mộ đầu tiên bắt đầu từ năm 1994, tìm mộ bố mẹ ông ở quê nhà. Bố ông hy sinh, nằm lại Ninh Bình, năm 1949. Mẹ ông bị thương khi Pháp đánh vào Ty công an tỉnh Ninh Bình, được đưa về bệnh viện Thanh Hóa, bà mất, chôn ở Thanh Hóa, năm 1951. “Bây giờ ông bà đã được nằm cùng nhau ở Ninh Bình. Khi tìm thấy bố mẹ mình, tôi mới cảm nhận rõ nỗi đau của những gia đình mất con mà chưa tìm thấy hài cốt. Thân nhân của tôi, tôi đã tìm ra rồi. Còn những người thân của các liệt sĩ, họ phải tìm kiếm, chờ đợi đến bao giờ. Nếu không đưa các anh về với gia đình, tôi thấy mình mắc nợ họ, một cái nợ lớn” – cựu binh Nguyễn Thanh Hà tâm sự. 

Những cuộc tìm kiếm của ông vẫn đang tiếp tục. Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu, sang tận Campuchia…Còn rất nhiều nơi, rất nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy. Từ những chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ, ông còn kết nối làm từ thiện, trao quà, tặng nhà cho gia đình địa phương có hoàn cảnh khó khăn.

Người cựu binh ấy đã kể cho tôi nghe về những cuộc chiến, về những hy sinh của đồng đội, về nỗi day dứt khi chưa thể tìm được các anh…Ông không nói gì về mình. Chỉ đến khi rời đi, tôi mới biết, ông là Thiếu tá, 54 năm tuổi Đảng.

BÙI TIỂU QUYÊN

 

Tóm tắt tiểu sử Cựu binh Nguyễn Thanh Hà:

Cựu binh Nguyễn Thanh Hà, sinh năm 1942 tại Hưng Yên. Năm 1962, ông tham gia kháng chiến chống Mỹ (thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 – Sư đoàn bộ binh đầu tiên của miền Nam). Năm 1977, ông chuyển ngành làm Trưởng phòng tổ chức Tổng công ty Lương Thực, sau đó làm Phó Giám đốc công ty Đồ gỗ xuất khẩu (Sở Ngoại thương TPHCM). Năm 1979, tiếp tục tái ngũ sang chiến trường Campuchia. Năm 1983, ông trở về làm công tác đối ngoại cho đoàn 478 Bộ Quốc phòng.

Ngày 21/3/1967, Mỹ đổ 45.000 quân xuống Tây Ninh nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, trong chiến dịch Junction City kéo dài 53 ngày đêm. Đơn vị chủ lực lúc đó có sư đoàn 5, sư đoàn 7, sư đoàn 9. “Đêm nào cũng chuẩn bị 10 giờ đêm mỗi chiến sĩ có một nắm cơm, sẵn sàng chiến đấu. Địch đổ quân vào với trên 100 xe tăng, san ủi cây rừng rạp ngọn. Mình đánh vào, chiến đấu từ 5 giờ 30 phút sáng đến 2 giờ chiều. Khi tiếng súng bắt đầu thưa thớt, tôi nấp dưới gò mối, bắn nhử để xác định vị trí địch bắn vào, nhờ thế ta tiêu diệt được 3 xe tăng địch. Sau không nghe súng địch bắn trả nữa, tưởng rằng chúng đã yếu thế, tôi vừa nhỏm dậy hô anh em xung phong thì trúng đạn 12,7 ly, máu tuôn xối xả, chỉ còn kịp xếp nón vải làm tư, cầm máu. Tôi nằm đó và thấy đồng đội tiếp tục xung phong, nhiều người ngã xuống…” – cựu binh Nguyễn Thanh Hà, người trở về từ cuộc chiến tranh, đã chẳng thể nào quên những năm tháng đã sống, đã chiến đấu, vì một lý tưởng chung nhất là giải phóng, hòa bình cho dân tộc.


  BÁC HỒ VỚI "TẾT TRỒNG CÂY" Tết Canh Tý năm 1960, trong không khí sôi nổi mừng Đảng, mừng xuân, sáng ngày 11/01/1960, Chủ tịch ...