KỶ NIỆM 202 NĂM NGÀY SINH PH. ĂNG-GHEN
(28/11/1820 - 28/11/2022)
LÃNH TỤ THIÊN TÀI, NGƯỜI THẦY VĨ ĐẠI CỦA GIAI CẤP VÔ SẢN
Ph. Ăngghen là lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, người đã cùng Các Mác xây dựng nên lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học và đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động.
Ph. Ăngghen sinh
ngày 28/11/1820 tại thành phố Barơmen, vương quốc Phổ (ngày nay là nước Đức).
Ông sinh sống, thâm nhập thực tiễn vào phong trào cách mạng ở nhiều nước khác
nhau để tìm hiểu cuộc sống người dân.
Xuất thân từ một
gia đình tư sản, nhưng Ph. Ăngghen đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho
sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, Ông là người bạn, người đồng chí
gần gũi nhất của C. Mác, đã cùng C. Mác xây dựng nên chủ nghĩa cộng sản
khoa học.
Trong nhiều thập
kỷ, Ph. Ăngghen ra sức nghiên cứu, tiếp thu, kế thừa những tinh hoa tư
tưởng của nhân loại, mà trước hết và trực tiếp là triết học cổ điển Đức, kinh
tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp. Quá trình nghiên cứu lý luận
luôn gắn chặt với thực tiễn phong phú, sinh động của phong trào đấu tranh của
giai cấp công nhân. Từ đó, Ông đã cùng với Mác, xây dựng nên một hệ thống lý
luận khoa học và cách mạng, bao gồm triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa
xã hội khoa học. Cái đặc sắc nhất là hai ông đã sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật
biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; phát hiện ra những quy luật khách quan
của sự phát triển xã hội và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; xây dựng lý
luận giá trị thặng dư chỉ ra các quy luật chi phối sự vận động, phát triển và
diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản. Đây chính là vũ khí tư tưởng cho giai
cấp công nhân; là những trụ cột của cả một hệ thống đồ sộ!
Rất nhiều tác
phẩm cơ bản của chủ nghĩa Mác là do Mác và Ăngghen cùng viết. Tiêu biểu nhất là
“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Nhiều công trình nghiên cứu của Ăngghen là sự
phát triển những tư tưởng hình thành trong quá trình trao đổi thường xuyên với
C. Mác. Về phía mình, nhiều tác phẩm của C. Mác được viết với những ý
tưởng và kiến thức của Ăngghen. Lênin cho rằng: “Không thể nào hiểu được chủ
nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ
những tác phẩm của Ăngghen”. Ăngghen còn sát cánh cùng C. Mác trong truyền
bá tư tưởng cách mạng, xây dựng các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân,
trở thành lãnh tụ của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân các nước châu
Âu ở nửa cuối thế kỷ XIX. Lênin kết luận: “Sau bạn ông là Các Mác, Ph.
Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện
đại trong toàn thế giới văn minh”.
Ăngghen được
ngưỡng mộ, kính trọng không chỉ bởi trí tuệ của một nhà bác học, lòng dũng cảm,
nhiệt huyết của một chiến sỹ cách mạng vĩ đại, mà còn bởi phẩm chất cao cả thể
hiện trong tình bạn, tình đồng chí khăng khít, thủy chung, cảm động, hiếm có
với Mác. Người tự nhận mình là “cây vĩ cầm số 2” bên cạnh Mác. Lênin khẳng
định: “Giai cấp vô sản châu Âu có thể nói rằng khoa học của mình là tác phẩm
sáng tạo của hai nhà bác học kiêm chiến sỹ mà tình bạn đã vượt xa tất cả những
gì là cảm động nhất trong những truyền thuyết của đời xưa kể về tình bạn của
con người”.
Sau khi Mác qua
đời, Ăngghen đã tập trung thời gian, công sức để thực hiện một công việc vô
cùng nặng nề, hết sức khó khăn, mà chỉ Ông mới có thể làm được, đó là chỉnh lý,
biên tập và cho xuất bản tiếp tục các bản thảo còn lại của bộ “Tư bản”- tác
phẩm lớn nhất, vĩ đại nhất của Mác. Lê-nin cho rằng, thông qua công việc quan
trọng này: “Ăngghen đã dựng cho người bạn thiên tài của ông một đài kỷ niệm
trang nghiêm, trên đó Ăngghen cũng không ngờ là đã khắc luôn cả tên mình bằng
những chữ không bao giờ phai mờ được”. Ngoài ra, Ông còn tiếp tục truyền bá sâu
rộng những tư tưởng của Mác, đấu tranh bảo vệ và phát triển học thuyết Mác...
Từ khi xuất hiện,
chủ nghĩa Mác đã luôn bị các trào lưu tư tưởng đối lập phê phán, đả kích. Sau
sự sụp đổ của Liên Xô, các thế lực thù địch coi đây là thời cơ lớn, đẩy mạnh
tấn công, xuyên tạc, vu cáo, bác bỏ... Điều này không có gì là khó hiểu! Vì
thế, phải bằng tinh thần khoa học và cách mạng, chúng ta tiếp tục đấu tranh bảo
vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của mình, phù hợp với tinh thần mác-xít, phù
hợp với tính chất, đặc điểm mới của thời đại!
Ngày nay, mặc dù
tình hình có nhiều thay đổi so với thời điểm đó, nhưng tư tưởng của C.
Mác và Ph. Ăngghen về chủ nghĩa xã hội khoa học, vai trò sứ mệnh lịch
sử của giai cấp công nhân, về công tác xây dựng Đảng vẫn còn nguyên giá trị.
Chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là nền tảng tư tưởng và hành động cho các Đảng Cộng
sản trên thế giới, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong từng giai đoạn
cách mạng, Đảng ta luôn coi “Chủ nghĩa Mác - Lênin là cái cẩm nang thần kỳ”;
luôn vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, đề
ra đường lối cách mạng đúng đắn, đưa cách mạng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử
thách, giành được những thắng lợi vĩ đại. Đó là bằng chứng, khẳng định sự đúng
đắn, vai trò và ý nghĩa to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, mà Ăngghen là một
trong những lãnh tụ sáng lập. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang
tập trung xây dựng Đảng thật trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Hội Nghị
Trung ương 4, khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính
trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “Tự diễn biến”, “Tự chuyển
hóa” và tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh trong toàn Đảng, vì vậy việc học tập, noi gương nhân cách người chiến
sĩ cộng sản mẫu mực của Ph. Ăngghen càng có ý nghĩa thiết thực trong việc
nâng cao đạo đức cách mạng của người đảng viên, góp phần giữ vững bản chất cách
mạng của Đảng Cộng sản, vì nhân dân mà phục vụ.
CQ