Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA

Đầu thế kỷ 20, nhân dân lao động Nga đã làm một cuộc cách mạng “rung chuyển thế giới”, đó là cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại năm 1917. Lần đầu tiên, ước mơ ngàn đời của nhân loại về xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, không có người bóc lột người đã trở thành hiện thực.

Cũng vào thời kỳ này ở Việt Nam, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đang bế tắc về đường lối. Trong bối cảnh đó, trên hành trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận thấy ý nghĩa vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười là “đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lý lấy đất nước mình không cần tới bọn chủ và bọn toàn quyền”.(1)

Đó chính là lý do Người đón nhận, đi theo chủ nghĩa Lênin, đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười với quyết tâm và hoài bão đấu tranh để giải phóng dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức khác trên thế giới. “Tiếng sấm cách mạng ấy thúc đẩy những người Việt Nam yêu nước hướng về phía Liên Xô, hấp thụ lý luận vĩ đại của chủ nghĩa Mác – Lênin… Ngọn đuốc lý luận Mác – Lênin và kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại soi sáng con đường cách mạng Việt Nam”.(2)

Và rồi, chính sự lựa chọn của Nguyễn Ái Quốc đã gắn bó Cách mạng Việt Nam với Cách mạng Tháng Mười, với nước Nga và đặt nền móng cho tình hữu nghị thủy chung, sâu sắc giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Chiến hạm Rạng Đông ở Leningrad,

tháng 8-1957. Ảnh: TTXVN

Có thể nói, từ những ngày đầu tiên cho đến những ngày cuối cùng của hơn nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những bài viết về Cách mạng Tháng Mười Nga, về Lênin đã chiếm một vị trí nổi bật trong toàn bộ tác phẩm, bài viết của Người.

Ngày 21-1-1924, Lênin từ trần. Với niềm tiếc thương vô hạn và lòng kính yêu sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Lênin và các dân tộc thuộc địa”, đăng trên Báo Sự thật (Liên Xô). Trên Báo Người cùng khổ (1924), Người đã viết: “Nếu giai cấp vô sản phương Tây coi Lênin là một thủ lĩnh, một lãnh tụ, một người thầy thì các dân tộc phương Đông lại coi Lênin là một người còn vĩ đại hơn nữa, cao quý hơn nữa, nếu tôi có thể nói như vậy. Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là sự coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao đến các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi”.(3)

Trong quá trình chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần viết về Cách mạng Tháng Mười Nga và Lênin. Người coi đó là một nội dung quan trọng, là bài học cơ bản trong việc đào tạo cán bộ, chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức tiến tới thành lập Đảng. Trong cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành phần 4 trong chương XII viết về Cách mạng Tháng Mười Nga dưới tiêu đề “Cách mạng Tháng Mười Nga với các dân tộc thuộc địa”.

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Hồ Chủ tịch đã dành một phần riêng về Cách mạng Tháng Mười Nga dưới tiêu đề “Lịch sử cách mạng Nga”. Sau khi phân tích các cuộc cách mạng tư sản Pháp, Mỹ, Người nhấn mạnh: Chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng triệt để nhất, vì nó đem lại tự do, bình đẳng, hạnh phúc thật sự cho nhân dân lao động và còn giúp đỡ cho các dân tộc bị áp bức làm cách mạng để tự giải phóng. Và, “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.(4)

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Sự nghiệp vĩ đại của Lênin” (Báo Nhân Dân, 24-1-1952), “Lênin dạy” (Báo Nhân Dân, 21-1-1954). Người đã nhắc lại những lời dạy quý báu của Lênin nhằm động viên nhân dân ta khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Năm 1960, Hồ Chí Minh đã viết bài báo nổi tiếng “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Mác - Lênin” (Báo Nhân Dân, ngày 22-4-1962), tiếp đó “Chủ nghĩa Lênin vĩ đại muôn năm” (Báo Sự thật, Liên Xô), với những bài viết đó, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ý nghĩa vĩ đại, những bài học cơ bản của Cách mạng Tháng Mười, sức mạnh vô địch của Chủ nghĩa Mác - Lênin đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta cũng như đối với nhân dân các nước trên thế giới.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng gian khổ của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.(5)


Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi tại trại thiếu nhi của
Bộ Công nghiệp hàng không ở Mat-xcơ-va năm 1954. Ảnh tư liệu

Có thể nói, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên tiếp thu và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin và những kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga vào hoàn cảnh thực tiễn của nước ta, vạch ra đường lối cho cách mạng Việt Nam tiến lên. Từ cơ sở phân tích những luận điểm quan trọng của Lênin cũng như những bài học cơ bản của Cách mạng Tháng Mười, Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận có tính chất nguyên tắc vô cùng quan trọng: “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.(6)

“Trong thời đại ngày nay… cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”.(7)

Điều đó được thể hiện một cách rõ ràng trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (2-1930) và các Cương lĩnh sau này của Đảng ta.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối cách mạng đúng đắn đã đưa:“Nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới”.(8)

Thắng lợi ấy đã minh chứng cho một quan điểm đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Đi theo con đường do Lênin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc”.(9)

----------------------------

(1)Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, HN, 2000, t.1, tr236.

(2)Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.9, tr.314.

(3)Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.1, tr.295

(4)Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.2, tr.268

(5)Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.10, tr.128.

(6)Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd,  t.11, tr.30.

(7)Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd,  t.12, tr.305

(8)Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011)

(9)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.397

Báo điện tử đảng cộng sản Việt Nam

 

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2022

XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG CŨNG VÌ NƯỚC, VÌ DÂN


Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý vì nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng vì đất nước, vì nhân dân và con người.

Khi từ biệt thế giới này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng bản Di chúc lịch sử. Bản Di chúc là những lời tiên tri, dự liệu và nhắn nhủ của vị lãnh tụ kính yêu suốt đời vì nước, vì dân, của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng.

Suốt 45 năm qua, toàn Đảng, toàn dân thực hiện Di chúc của Người đã càng làm sáng ngời những giá trị lý luận và thực tiễn của một văn kiện bất hủ, được viết ra từ một trái tim và trí tuệ lớn, “tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại”.

Đạo đức cách mạng là gốc của người lãnh đạo

Trước hết nói về Đảng, là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng, Hồ Chí Minh đã cùng với Đảng lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh cách mạng của toàn dân tộc tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người thấu hiểu và luôn luôn rèn luyện bản chất cách mạng của Đảng, đó là một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Người khẳng định điều đó trong Di chúc, khẳng định bản chất giai cấp, bản chất nhân dân và dân tộc trong sáng của Đảng suốt chặng đường lịch sử đã qua và cũng là mong muốn trong sự phát triển của Đảng không bao giờ được xa rời bản chất và mục tiêu cao cả đó. Đó là giá trị lý luận bền vững về bản chất cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo đảm sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với giai cấp, nhân dân và dân tộc.

Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đề cập nhiều vấn đề về trách nhiệm và những yêu cầu đặt ra đối với Đảng cầm quyền. Đảng muốn lãnh đạo và cầm quyền tốt phải đoàn kết. Đoàn kết vừa là truyền thống quý báu vừa là nguyên tắc xây dựng Đảng. Chỉ có đoàn kết trong Đảng mới có thể đoàn kết nhân dân và toàn dân tộc.

Với ý nghĩa đó, Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Mọi sự chia rẽ đều là nguy cơ dẫn tới sự thất bại và sụp đổ.

Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu, “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Dân chủ trong Đảng nhằm phát huy trí tuệ của Đảng và sức mạnh đoàn kết của Đảng và cũng là hạt nhân để đoàn kết toàn dân, toàn xã hội.

Tự phê bình và phê bình mà Hồ Chí Minh căn dặn thật sự là quy luật phát triển Đảng, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Hiện nay, toàn Đảng đang thực hiện thường xuyên tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Đó là cách tốt nhất và có ý nghĩa sâu sắc trong học tập, làm theo Di chúc của Bác Hồ.

Trong Di chúc, Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Suốt đời, Hồ Chí Minh nêu tấm gương trong sáng về đạo đức cách mạng và cũng suốt đời Người chăm lo giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người coi đạo đức cách mạng là cái gốc của người lãnh đạo, của Đảng cầm quyền. Hồ Chí Minh phải nhấn mạnh đạo đức của người cách mạng vì Người đã sớm nhìn thấy sự tha hóa, hư hỏng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và thật sự lo lắng về điều đó.

Những vấn đề về xây dựng Đảng của một Đảng cầm quyền mà Hồ Chí Minh viết trong Di chúc là những điều Người chiêm nghiệm, suy ngẫm từ lý luận và nhất là từ thực tiễn lãnh đạo của Đảng.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay không thể tách rời thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, nhất là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh bắt đầu từ nhân dân và cuối cùng cũng vì nhân dân, vì con người. Người từng nói “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”.

Hồ Chí Minh yêu thương, quý trọng con người và mong muốn đồng bào, đồng chí ăn ở với nhau có tình có nghĩa. Trong Di chúc, Người cho rằng, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý vì nhân dân.

Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng vì đất nước, vì nhân dân và con người.

Chăm lo xây dựng thế hệ kế thừa

Người dự báo sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước nhất định thắng lợi hoàn toàn, đó là một điều chắc chắn. Người căn dặn, ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước thắng lợi, phải mau chóng hàn gắn viết thương chiến tranh, chăm sóc con người, từ các thương binh, gia đình liệt sĩ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, phụ nữ, miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân và quan tâm cả những nạn nhân của chế độ cũ.

Hồ Chí Minh nghĩ nhiều về công việc xây dựng lại đất nước sau ngày kháng chiến thắng lợi. Xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển, sửa đổi chế độ giáo dục, y tế; củng cố quốc phòng.

Đó là những công việc rất to lớn, nặng nề và phức tạp nhưng rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Đó là cuộc chiến đấu khổng lồ, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.

Hồ Chí Minh chia sẻ nỗi khó khăn của nhân dân “đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh”.

Tuy trải qua khó khăn, nhưng theo Người “nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”. Do vậy, “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Động viên toàn dân, dựa vào lực lượng của nhân dân gắn liền với chăm lo đời sống mọi mặt của nhân dân là công việc, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Hồ Chí Minh luôn luôn thống nhất giữa các yêu cầu đó nhằm phát huy cao nhất sức mạnh, sự sáng tạo, ý thức trách nhiệm của dân để làm lợi cho dân.

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Hồ Chí Minh đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, vào đoàn viên và thanh niên. Người căn dặn, “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên””. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.

Đọc Di chúc của Bác Hồ, suy ngẫm về những điều Người dự liệu, ủy thác, thế hệ hôm nay càng thấy ý nghĩa sâu sắc từ các vấn đề trọng đại của đất nước và dân tộc. Đất nước đang không ngừng đổi mới đàng hoàng hơn, to đẹp nhiều hơn trước, đời sống nhân dân được cải thiện, độc lập chủ quyền được giữ vững, vị thế quốc tế tăng lên.

Tiếp tục thực hiện Di chúc của Bác, toàn Đảng, toàn dân kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển đất nước theo Cương lĩnh, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; không ngừng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; chăm lo xây dựng con người Việt Nam yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Đó là những điều căn bản nhất để phát triển bền vững đất nước theo ước nguyện của Bác Hồ.

                                                      PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc
(nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng)


Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI PHỤ NỮ VIỆT NAM

 Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của phụ nữ Việt Nam trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Người xác định phụ nữ là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhận thấy phụ nữ có nhiều khả năng làm lãnh đạo, từ cấp cơ sở đến trung ương, đo đó, Người đề nghị Đảng, Chính phủ và các cấp, các ngành phải đặc biệt chú ý, cất nhắc phụ nữ vào đúng những vị trí, chức vụ phù hợp với khả năng để chị em có điều kiện phát huy năng lực của mình.


Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nữ đại biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, tháng 9 năm 1960. Ảnh tư liệu

1. Bác Hồ mong muốn giải phóng phụ nữ và đánh giá cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội

Ngay từ những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ luôn quan tâm đến phụ nữ và trẻ em ở những nước thuộc địa nói chung, Việt Nam nói riêng. Người cho đó là những lớp người khổ nhất trong những người khổ cực, họ không những phải chịu đựng nỗi đau của người dân mất nước, bị tước đoạt hết các quyền tự do, dân chủ mà còn bị ngược đãi, chà đạp lên cả phẩm giá con người.

Xuất phát từ lòng nhân ái bao la và sự đồng cảm sâu sắc với nỗi đau khổ mà người phụ nữ phải gánh chịu dưới chế độ thực dân, phong kiến nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt ra yêu cầu bức thiết phải giải phóng “nửa thế giới” khỏi “xiềng xích nô lệ”. Người xác định: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”.

Trong tác phẩm “Ðường Kách mệnh”, Bác viết: “Ông Các Mác nói rằng: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi”; “Ông Lê-nin nói: Ðảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công...” . Sau khi đã trở thành Chủ tịch nước, Người luôn dành tình cảm, sự ưu ái, ân cần của mình đối với phụ nữ.

Trong Thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Người viết: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Điều này một lần nữa được Người khẳng định trong cuốn sách “Lịch sử nước ta”: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời”. Tại Đại hội liên hoan phụ nữ “Năm tốt”, ngày 30/4/1964, Bác khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta đã góp phần khá lớn làm cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi vẻ vang (…) Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội”.

Cùng với việc đánh giá cao sự đóng góp của phụ nữ trong kháng chiến, trong xây dựng đất nước, Bác căn dặn phụ nữ cần phải luôn cố gắng hơn nữa: “…Tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xoá bỏ cái tâm lý tự ty và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật (…) Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị người làm chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.

Ngày 9-3-1961, khi nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần III, Bác dặn dò phụ nữ phải nhận rõ địa vị làm chủ của mình: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, trước mắt là thi đua hoàn thành tốt kế hoạch năm nay, để làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm, để xây dựng đời sống tươi vui hạnh phúc cho nhân dân ta, cho con cháu ta”.

Tại Đại hội liên hoan Phụ nữ “Năm tốt” (ngày 30/4/1964), Bác mong muốn chị em phải tích cực thi đua, cố gắng học tập, phấn đấu vươn lên: “Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xoá bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập. Có như thế thì phong trào “Năm tốt” sẽ ngày càng lan rộng, ăn sâu và sẽ thực hiện 100% bình quyền, bình đẳng” .

Xuất phát từ vai trò, vị trí và những đóng góp của phụ nữ, Bác Hồ đã nhiều lần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia hoạt động, phấn đấu. Khi nói chuyện tại Lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện (18/1/1967), Bác phê bình sự thiếu sót trong bồi dưỡng cán bộ nữ, Người đánh giá cao vai trò của cán bộ nữ đồng thời yêu cầu phải đấu tranh mạnh bệnh thành kiến hẹp hòi đối với phụ nữ: “Cán bộ nữ ít như vậy là một thiếu sót. Các đồng chí phụ trách lớp học chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ nữ. Đây cũng là thiếu sót chung ở trong Đảng. Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai. Hiện nay, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở cơ sở. Nhiều người công tác rất giỏi. Có cháu gái làm chủ nhiệm hợp tác xã toàn thôn, không những hăng hái mà còn làm rất tốt. Các cháu gái ở các hợp tác xã thường có nhiều ưu điểm: ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách, mệnh lệnh như một số cán bộ nam, có đúng như thế không? Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ. Các cô, nhất là các cô ở huyện, phải đấu tranh mạnh. Vì các cô mà không đấu tranh thì những đồng chí nam có thành kiến với phụ nữ sẽ không tích cực sửa chữa” .

Trước lúc đi xa, Người vẫn đau đáu một nỗi niềm: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo” .

Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước lúc đi xa, Người đã không quên nhắc tới phụ nữ Việt Nam: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Những lời chỉ dạy, quan tâm của Người đối với phụ nữ từ khi ra đi tìm đường cứu nước, cho đến những lời di chúc để lại trước lúc đi xa, đều thể hiện tình cảm cao quý, lòng yêu mến và đánh giá cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Đó vừa là tình cảm, vừa là huấn thị thiêng liêng mà Bác dành cho phụ nữ Việt Nam.

2. Phụ nữ Việt Nam làm theo lời Bác dạy

Đáp lại niềm tin tưởng và tình cảm trân quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ Việt Nam đã không quản ngại khó khăn vất vả, luôn anh dũng chiến đấu, kề vai sát cánh cùng nam giới trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước. Không chỉ trên tiền tuyến mà ở cả hậu phương, chị em phụ nữ cũng luôn phấn đấu thi đua tăng gia sản xuất, nuôi dạy con ngoan, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.

Vị thế của người phụ nữ ngày càng được nâng cao trong gia đình và ngoài xã hội. Họ không chỉ làm tốt thiên chức “làm vợ, làm mẹ” mà còn hoàn thành vai trò của một người công dân với xã hội. Các thế hệ phụ nữ Việt Nam luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để tiếp tục phát huy những truyền thống hào hùng của phụ nữ Việt Nam, tích cực trên mọi mặt trận, góp phần xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu mạnh, văn mình, xây dựng và phát triển phong trào phụ nữ ngày càng phát triển.

Khắc sâu lời dạy của Người, ngày nay “một nửa thế giới” đã nỗ lực vươn lên để khẳng định mình. Vị thế của người phụ nữ ngày càng được nâng cao trong gia đình và ngoài xã hội. Họ không chỉ làm tốt thiên chức “làm vợ - làm mẹ” mà còn hoàn thành tốt vai trò của một người công dân đối với xã hội. Thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phụ nữ Việt Nam đã có mặt trên tất cả các lĩnh vực công tác của đời sống xã hội, ngày càng có nhiều chính trị gia; nhà lãnh đạo, quản lý; nhà khoa học và doanh nhân thành đạt là phụ nữ.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của chị em phụ nữ cả nước, công tác phụ nữ trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển đất nước. Ðể phong trào phụ nữ tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần phối hợp, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ mới, xứng đáng với tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng phụ nữ Việt Nam./.

TS Minh Dương – Ths Duy Tiến

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2022

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG TÁC DÂN VẬN

 

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG TÁC DÂN VẬN

Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận - công tác vận động quần chúng - là một hệ thống những quan điểm, phương thức dân vận được thấm nhuần trong cả cuộc đời và trong các tác phẩm của Người.

Thương yêu Nhân dân, thương yêu con người, tin tưởng ở sức mạnh đoàn kết của Nhân dân, hết lòng phục vụ Nhân dân là quan điểm bao trùm trong toàn bộ Tư tưởng Hồ Chí Minh, cơ sở để hình thành tư tưởng về công tác dân vận của Người. Người luôn ý thức “Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết. Dân là gốc của nước. Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Hoặc “ở trong xã hội muốn thành công phải có ba điều kiện là thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Nhưng thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hòa. Nhân hòa là quan trọng hơn hết”.

Zalo

Trước lúc đi xa, Bác còn viết trong Di chúc: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Bác nói về việc riêng của Bác: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điểm gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Người coi cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, nhưng Nhân dân cần Đảng dẫn đường. Đảng có trách nhiệm đoàn kết, tập hợp Nhân dân, lãnh đạo Nhân dân làm cách mạng. Trong cuốn Đường cách mệnh (1927) Người đã khẳng định: “Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”. Đó là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ cơ sở nhận thức khoa học: Cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân. Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề đoàn kết, tập hợp được đông đảo Nhân dân. Đảng dù vĩ đại đến mấy cũng chỉ là một bộ phận của Nhân dân. Người nêu lên một luận đề như một chân lý: Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.

Tư tưởng cơ bản chỉ đạo công tác dân vận

- Tất cả vì lợi ích của Nhân dân. Người thường nói: Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì ta hết sức tránh. Đó cũng chính là mục đích của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân.

- Dân chủ là tư tưởng cơ bản xuyên suốt công tác dân vận. Tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn có cái cốt lõi: Dân là gốc. Bản chất dân chủ là quyền làm người. Bác Hồ nói: Lãnh đạo một nước mà để cho nước mình lạc hậu, bị thiệt thòi trong hưởng hạnh phúc con người cũng là mất dân chủ.

- Dân là gốc thì dân phải là chủ và dân phải làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân. Bác đánh giá rất cao về dân chủ: Dân chủ là của quý báu nhất của Nhân dân. Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn.

Đoàn kết, tập hợp lực lượng là nhiệm vụ cơ bản của công tác dân vận.

Đoàn kết không chỉ là nhiệm vụ cơ bản của công tác dân vận, mà còn là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt vấn đề đại đoàn kết dân tộc. Trong tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Người có những vấn đề cơ bản sau:

- Giữ vai trò của Đảng Cộng sản, hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc. Người nói: “Cách mạng muốn thành công, trước hết phải có Đảng cách mệnh”. “Nhân dân cần có Đảng dẫn đường. Bởi vậy đại đoàn kết phải có Đảng lãnh đạo. Đảng phải được xây dựng xứng đáng với vai trò vừa là người lãnh đạo, vừa là thành viên của Mặt trận. Đảng của giai cấp nhưng Đảng cũng là của dân tộc. Nhân dân công nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của mình. Đây thật là một vinh dự.

Đảng là thành viên bình đẳng trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng là thành viên lãnh đạo Mặt trận. Đảng lãnh đạo Mặt trận bằng thuyết phục và nêu gương. Đảng phải tiêu biểu cho mọi sự đoàn kết nhất trí, bảo đảm dân chủ nội bộ, thống nhất tư tưởng, tự phê bình và phê bình.

Phương thức cơ bản của công tác dân vận là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc dân là chủ, phương thức cơ bản của công tác dân vận là phương pháp dân chủ chứ không phải là những thủ thuật chính trị. Tuy khi đó chưa có phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, nhưng cách nói của Bác trong bài báo Dân vận (15-10-1949) cũng chính là như vậy.

“Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ.

Trước nhất phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.

Zalo

Bên cạnh phương thức cơ bản này, Bác Hồ thường nhấn mạnh:

Một là, cán bộ đảng viên phải tự mình làm gương cho quần chúng. Với đặc điểm, tâm lý của người phương Đông, người Việt Nam, việc nêu gương có một tác dụng to lớn. Cán bộ, đảng viên phải tự mình làm gương cũng chính là yêu cầu đầu tiên của phong cách Lêninnít. Lời nói đi đôi với việc làm.

Hai là, phải gần gũi quần chúng, kiên trì, giải thích cho quần chúng hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách. Người dạy: Muốn thực sự gần gũi quần chúng thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm mới biết sinh hoạt của quần chúng thế nào... mới biết nguyện vọng của quần chúng thế nào.

Ba là, cách tổ chức, cách làm việc cũng phải phù hợp với quần chúng. Lực lượng làm công tác dân vận là lực lượng của cả hệ thống chính trị - trước hết là của chính quyền.

Trong bài báo Dân vận, Bác viết: Tất cả cán bộ, chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức Nhân dân (Liên Việt, Việt Minh...) đều phải phụ trách dân vận.

Điều ấy có nghĩa là, tất cả cán bộ chính quyền đều phải làm dân vận. Đây là đặc điểm nổi bật của công tác dân vận khi Đảng ta có chính quyền. Chính quyền của ta là công cụ chủ yếu của Nhân dân. Chính quyền không những chỉ phải làm dân vận mà còn có nhiều điều kiện làm công tác dân vận thuận lợi hơn.

Phẩm chất và phong cách người cán bộ dân vận

Vấn đề phẩm chất, tác phong hay phong cách (tác phong và tư cách) của người cán bộ cách mạng, cán bộ dân vận có ý nghĩa rất quan trọng. Về phong cách làm việc của cán bộ dân vận, Bác Hồ có nhiều cách nói khác nhau, ở những ngữ cảnh khác nhau nhưng tập trung nhất là trong bài báo Dân vận ngày 15-10-1949, Người đúc kết thành 12 từ: óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm.

Đặt “óc nghĩ” lên hàng đầu, Bác Hồ muốn khẳng định công tác dân vận không chỉ là những thao tác cụ thể, những công thức có sẵn mà bản thân nó là một khoa học - khoa học về con người, một nghệ thuật - nghệ thuật tiếp cận và vận động con người, phải dày công tìm tòi suy nghĩ để phân tích chính xác tình hình nhân dân, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn sinh động để vận động Nhân dân có hiệu quả. “Mắt trông, tai nghe, chân đi” là yêu cầu sát cơ sở, sát thực tế, đến với Nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân mà giúp dân giải quyết các công việc cụ thể, đề xuất chính sách hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách. “Miệng nói, tay làm” là phong cách quan trọng nhất hiện nay, “phải thật thà nhúng tay vào việc”, không được nói một đằng, làm một nẻo, miệng thì vận động người khác nhưng mình thì không làm hoặc làm ngược lại. Bác cũng nghiêm khắc phê phán “bệnh nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”.

Đối lập với tác phong “miệng nói, tay làm” là lối “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” tức là nói mà không làm, và nếu có làm thì chỉ làm theo lối quan liêu “bàn giấy”. Trong thư gửi các đồng chí Bắc bộ năm 1947, Bác đã phê phán tác phong làm việc kiểu này: “Thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác để vạch ra những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết của đoàn thể cho chu đáo. Những chỉ thị, nghị quyết cấp trên gửi xuống các địa phương có thực hiện được hay không, các đồng chí cũng không biết đến”. Và Bác nhấn mạnh hậu quả tai hại của căn bệnh này: “Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi, đến chốn”. “Phải thật thà nhúng tay vào việc”.

Người làm dân vận phải thật thà “nhúng” tay vào việc, tức là làm việc một cách thật sự, phải cùng lao động, cùng chiến đấu, lăn vào cuộc sống hàng ngày của quần chúng để thực hiện mục đích của công tác dân vận. Nếu “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” thì làm sao hiểu được dân, làm sao “vận” được dân, làm sao để dân có tự do, hạnh phúc thật sự.

Thực hiện đường lối của Đảng và làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, nhiều năm qua công tác dân vận của cả hệ thống chính trị được triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đạt kết quả tốt./.

  BÁC HỒ VỚI "TẾT TRỒNG CÂY" Tết Canh Tý năm 1960, trong không khí sôi nổi mừng Đảng, mừng xuân, sáng ngày 11/01/1960, Chủ tịch ...